Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Với sự ra đi của một loạt nhân sự cấp cao, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành tiếp tục là cái tên thu hút chú ý trong tuần qua.
Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)

Với sự ra đi của một loạt nhân sự cấp cao, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) tiếp tục là cái tên thu hút chú ý trong tuần qua.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 19/8 cho thấy, trên sàn HoSE, mã HAS của Công ty cổ phần Hacisco chiếm vị trí quán quân.

HAS đã có một tuần khởi sắc khi có tới 5 phiên liên tiếp tăng giá trong đó có 4 phiên tăng kịch trần. Từ mức giá 9.000 đồng/cổ phiếu cuối tuần trước, HAS đã tăng một mạch lên ngưỡng 11.700 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 30%.

Tình hình kinh doanh theo báo cáo 6 tháng của HAS khá khởi sắc. Doanh thu của HAS tăng từ mức hơn 97 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên mức gần 189 tỷ đồng.

Với doanh thu này, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của HAS lên tới hơn 15 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo tính toán đạt khoảng hơn 9 tỷ đồng. Mức lãi này cao gấp 3 lần năm ngoái.

Trước đó, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức hồi tháng Tư, HAS đã nhất trí với kế hoạch doanh thu trong năm nay là 250 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế là 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong 6 tháng của năm, doanh thu của công ty trong nhóm ngành xây dựng và bất động sản này đã cách đích không xa trong khi lợi nhuận thì thậm chí còn vượt xa mong đợi.

Tuần này, một tin tức liên quan tới HAS là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã quyết định bán toàn bộ hơn 2,2 triệu cổ phần của đơn vị này tại HAS với giá khởi điểm không thấp hơn 16.100 đồng/cổ phiếu. Thời điểm thực hiện theo thông báo đến hết ngày 30/9.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 2

Ở phía ngược lại, mã DRH và TTF vẫn chưa thoát khỏi chuỗi ngày ảm đạm khi tiếp tục có "chân" trong nhóm mất giá.

Tuần này, nhà đầu tư lại chứng kiến mã DRH của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành nện sàn trong 5 phiên liên tiếp. Mã này đã có tổng cộng 24 phiên giảm kịch biên độ.

Từ mức giá 11.400 đồng/cổ phiếu chốt phiên tuần trước, TTF hiện đã lùi về ngưỡng 8.100 đồng/cổ phiếu, ứng với mức giảm gần 29%. TTF qua đó đứng vị trí số 3 nhóm mất giá.

TTF tiếp tục là cái tên được nhắc tới nhiều trong tuần qua khi một loạt nhân sự cấp cao của công ty bị bãi miễn. Cụ thể, ông Võ Trường Thành đã chính thức rời vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị từ 12/8, lý do ông này không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị trong tình hình khó khăn khẩn cấp của công ty.

Thay thế vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời giữ chức Tổng giám đốc Công ty là bà Vũ Tuyết Hằng, từ ngày 13/8. Bà Hằng trước đó nguyên là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup (VIC).

Bên cạnh đó, các ông bà Trần Hoài An, Đinh Văn Hóa cũng​ không còn là thành viên Hội đồng quản trị từ 23/8 theo nguyện vọng cá nhân. Cùng với lý do trên, các ông Tạ Văn Nam, Đinh Văn Hóa cũng bị miễn nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc, kể từ 12/8.

Trước đó, cơ quan chức năng đã quyết định đưa cổ phiếu này vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 9/8. Quyết định trên theo đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư theo quy định.

Mất giá nhiều nhất sàn là mã DRH của Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà mơ ước. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp DRH phải chấp nhận vị trí này

Trước đó, DRH đã công bố báo cáo tài chính quý 2 với 12,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được đại diện công ty cho biết do DRH có khoản thu nhập hơn 17,6 tỷ đồng phát sinh từ thanh lý tài sản.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 3

Bên sàn HNX, mã SIC của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà là mã tăng giá mạnh nhất sàn tuần này.

Công ty trong nhóm phát, truyền tải và phân phối điện năng có 5 phiên tăng kịch trần tuần này và có thêm tổng cộng 5.600 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ tăng giá của SIC lên tới hơn 61%, vượt xa nhóm còn lại của top tăng giá.

Báo cáo tài chính quý 2 của SIC cho thấy kết quả khá bất ngờ khi doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu trong quý 2 của SIC ở mức gần 15,6 tỷ đồng, thấp hơp mức 16,5 tỷ đồng quý 2 năm ngoái.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng của SIC trong quý 2 năm nay thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước khiến lợi nhuận gộp của công ty tăng đáng kể. Theo tính toán, giá vốn của SIC quý 2 năm nay chỉ là gần 3,5 tỷ đồng trong khi cùng thời gian này năm ngoái lên tới 9,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của SIC trong quý 2 đạt hơn 3,1 tỷ đồng, cao hơn nhiều mức âm 4,6 tỷ đồng của quý 2 năm 2015.

Với nhóm mất giá, mã KSQ của Công ty cổ phần Đầu tư KSQ là mã đứng vị trí số 1.

KSQ chỉ giữ được 1 phiên đi ngang đầu tuần còn lại trượt sâu trong những phiên còn lại với 3 phiên nện sàn.

Báo cáo quý 2 của KSQ cho thấy doanh thu và lợi nhuận sau thuế cùng sụt giảm đáng kể. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của KSQ theo tính toán đã giảm tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ ở ngưỡng hơn 20 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của KSQ được báo cáo cho biết đạt gần 934 triệu đồng, giảm mạnh so với khoản lãi gần 2,7 tỷ đồng một năm trước đó.

Giải trình với cơ quan chức năng, đại diện KSQ cho hay: Trong quý 2 năm nay, dự án cầu BOT Thái Hà đang ở giai đoạn hoàn thiện, chủ đầu tư cũng như nhà thầu đang gấp rút thực hiện các công đoạn bàn giao và nghiệm thu trước khi dự án đi vào hoạt động.

"Chính vì vậy, việc thanh quyết toán giữa công ty với các đơn vị liên quan bị ảnh hưởng dẫn đến việc doanh thu quý 2 thấp hơn so với kế hoạch," văn bản gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nêu lý do.

Cũng theo giải trình, một số dự án cung cấp thiết bị y tế vào các bệnh viện tại các tỉnh miền Trung bị lùi thời gian do chậm vốn ngân sách cũng đã ảnh hưởng đến đơn vị này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục