Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Dù không giữ được vị trí quán quân quen thuộc nhưng ROS vẫn có một chân trong nhóm đầu tăng giá; còn ở nhóm giảm giá, sự xáo trộn là không nhiều khi DAH, FID tiếp tục chia nhau các vị trí cũ.
Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)

Dù không giữ được vị trí quán quân quen thuộc nhưng mã ROS vẫn có một chân trong top tăng giá. Trong khi đó, ở nhóm giảm giá, sự xáo trộn là không nhiều khi DAH, BII và FID tiếp tục chia nhau những vị trí cũ.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho thấy, trên sàn HoSE, mã VRC của Công ty cổ phần Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu chiếm vị trị số 1 top tăng giá với tỷ lệ tăng gần 39%.

Công ty trong ngành bất động sản đã có một tuần trọn vẹn nhuộm sắc tím. Từ mức giá 10.700 đồng/cổ phiếu cuối tuần trước, VRC hiện có giá 14.900 đồng/cổ phiếu.

Báo cáo tài chính quý 3 của VRC cho thấy những kết quả vẫn khá thê thảm. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VRC chỉ đạt gần 446 triệu đồng với mức lỗ là gần 40 triệu đồng. Tổng số lỗ tính từ đầu năm đã lên tới gần 828 triệu đồng.

Cùng kỳ năm ngoái, mặc dù có doanh thu cao hơn năm nay rất nhiều, lên tới hơn 13 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của VRC cũng âm khoảng 2,9 tỷ đồng.

Trong quý trước, tình hình của VRC cũng khá căng thẳng khi ngày 30/8, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa mã này vào diện cảnh báo. Nguyên nhân được phía cơ quan chức năng đưa ra là “báo cáo hợp nhất soát xét bán niên năm 2016 VRC vẫn tiếp tục bị lỗ và chưa khắc phục được nguyên nhân.”

Cũng trong nhóm tăng giá, mã ROS của Công ty cổ phần Xây dựng Faros tiếp tục xuất hiện ở vị trí 2. Như vậy, thêm một tuần nữa ROS lại giữ chân trong top tăng giá. ROS lên sàn hồi tháng Chín với mức giá chỉ 10.500 đồng/cổ phiếu. Tới phiên ngày 28/10, mã này đã leo lên mức giá 84.600 đồng/cổ phiếu

ROS vẫn chưa công bố báo cáo tài chính cập nhật. Thông tin gần nhất liên quan tới ROS là việc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét của ROS.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 2

Ở phía ngược lại, mã DAH của Công ty cổ phần Tập đoàn khách sạn Đông Á tuần thứ 2 liên tiếp đứng ở vị trí đầu tiên trong top giảm giá.

5 phiên giao dịch tuần này của DAH chỉ biết tới nện sàn. Tổng mức giảm của DAH trong tuần là 3.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ giảm hơn 30%.

Nếu tính rộng hơn trong 10 phiên gần đây, DAH lao dốc trong cả 10 phiên và thậm chí trong đó có tới 9 phiên giảm kịch biên độ.

DAH mới chào sàn HoSE từ 10/10. Công ty này theo giới thiệu thành lập năm 2003, được góp vốn bởi 5 cổ đông sáng lập với số vốn góp là 5,2 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, số vốn điều lệ hiện nay của DAH là 342 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của DAH là kinh doanh khách sạn.

Thông tin về DAH trong tuần là báo cáo tài chính mới được công bố. Trong quý 3, doanh thu thuần của DAH là 47,2 tỷ đồng và lợi nhuận gộp hơn 17 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế trong quý của DAH đạt gần 7,3 tỷ đồng.

Nếu tính từ đầu năm, DAH có doanh thu lên tới hơn 128 tỷ đồng với mức lãi gần 19,5 tỷ đồng.

Bên sàn HNX, mã HAT của Công ty cổ phần Thương mại Bia Hà Nội là quán quân nhóm tăng giá.

Trước đó, HAT vừa bất ngờ báo lãi lớn. Theo báo cáo, lợi nhuận sau thuế của HAT ở mức 23,7 tỷ đồng, tăng tới 11,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo con số vừa công bố, doanh thu quý 3 năm nay của HAT đạt gần 207 tỷ đồng, tăng trên 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Bởi vậy, mặc dù có chi phí và giá vốn cao hơn năm ngoái nhưng HAT vẫn giữ được khoản lợi nhuận sau thuế khá lớn.

Một trong những lý do giúp doanh thu của HAT tăng trong quý qua là sản lượng tiêu thụ bia thời gian qua của công ty tăng mạnh.

HAT chính là công ty con của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO). Bản thân HABECO (mã BNH) cũng vừa chính thức lên sàn UpCoM với giá tham chiếu 39.000 đồng ngày 28/10.

HABECO là cái tên nóng được chờ đợi niêm yết trong nhiều tháng trước đó. Năm 2014, lợi nhuận sau thuế của Habeco đạt 831,7 tỷ đồng, năm 2015 đạt hơn 887 tỷ đồng. Trong năm 2016, Habeco đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 848,5 tỷ đồng và trả cổ tức 15%.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 3

Ở phía bên kia, mã BII của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư có tuần thứ 5 liên tiếp xuất hiện trong nhóm mất giá.

Trước đó, BII có “thành tích” đáng buồn là 3 tuần liên tiếp chấp nhận là mã mất giá nhiều nhất sàn. Thêm một tuần lao dốc với mức giảm gần 26%, hiện tại, BII chỉ còn giữ mức giá 2.900 đồng/cổ phiếu.

Thực tế, báo cáo quý 3 của BII cho thấy doanh thu thuần lên tới 72,4 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của BII qua đó được ghi nhận ở mức 2,9 tỷ đồng, tăng hơn 117% so với cùng kỳ trong đó phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 3,5 tỷ đồng..

Theo văn bản giải trình của BII với cơ quan quản lý, nhà máy chế biến cát thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chế biến cát Bình Thuận (SIBICO) đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng được nhu cầu thị trường đã tạo ra kết quả hoạt động kinh doanh tích cực cho công ty trong quý 3.

Mất giá nhiều nhất sàn là mã FID của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam.

Như vậy, đã hai tuần liên tiếp, FID đứng ở vị trí đầu tiên trong top giảm giá. FID cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 với cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh.

Nếu như năm trước, doanh thu quý 3 của FID còn ở mức hơn 22 tỷ đồng thì năm nay, con số này chỉ còn gần một nửa: 10,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của FID trong quý 3 năm theo tính toán khiêm tốn ở mức hơn 389 triệu đồng, thua xa ngưỡng 2,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục