Năm ngân hàng lớn bị phạt do thao túng các thị trường ngoại tệ

5 ngân hàng bao gồm UBS, JP Morgan Chase, Citigroup, Ngân hàng Hoàng gia Scotland và HSBC đã có hoạt động thao túng các thị trường ngoại tệ.
Năm ngân hàng lớn bị phạt do thao túng các thị trường ngoại tệ ảnh 1Ngân hàng UBS. (Nguồn: huffingtonpost.co.uk)

Ngày 12/11, các cơ quan quản lý quốc tế đã tuyên bố phạt 5 ngân hàng lớn của châu Âu và Mỹ số tiền lên tới 3,2 tỷ USD do có hoạt động thao túng các thị trường ngoại tệ.

Năm ngân hàng bị phạt đều có trung tâm hoạt động tại thị trường ngoại tệ lớn nhất thế giới ở London, nơi giao dịch tới 5,3 nghìn tỷ USD mỗi ngày.

Dựa trên điều tra hoạt động giao dịch bằng 10 đồng tiền mạnh nhất thế giới, Cơ quan Kiểm tra tài chính Anh (FCA) và Ủy ban Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ (CFTC) kết tội 5 ngân hàng bao gồm UBS của Thụy Sĩ, JP Morgan Chase và Citigroup (Mỹ) cùng Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) và HSBC (Anh) đã cho phép các thương gia thông đồng với nhau để dàn xếp mức lãi suất chuẩn.

Chủ tịch FCA Martin Weatley cho biết trong giai đoạn từ 2008 đến 2013, các thương gia này đã lợi dụng sự quản lý kém hiệu quả của 5 ngân hàng trên, tập hợp với nhau tạo thành một nhóm để chia sẻ thông tin về hoạt động của những khách hàng được gọi bằng tên lóng nhằm tránh bị lộ.

Mức phạt mà FCA và CFTC đưa ra lần lượt là 1,7 tỷ USD và 1,4 tỷ USD, trong đó UBS phải chịu nộp phạt nặng nhất, lên tới gần 809 triệu USD.

Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) nêu rõ UBS đã vi phạm nghiêm trọng các yêu cầu về đạo đức kinh doanh, và ra lệnh xem xét hành vi vi phạm đối với 11 nhân viên UBS có hành động đi ngược lại lợi ích của khách hàng như chưa quản lý rủi ro, kiểm soát và tuân thủ hoạt động kinh doanh ngoại hối một cách đầy đủ. Ngoài ra, FINMA cũng buộc UBS phải trả lại 134 triệu franc Thụy Sĩ (139 triệu USD) lợi nhuận thu được bằng cách lừa dối.

Tháng trước, các nhà phân tích của Citigroup ước tính rằng các ngân hàng trên toàn cầu, trong đó có UBS, có thể phải trả tới 41 tỷ USD tiền phạt liên quan đến hành vi thao túng ngoại hối.

Năm 2012, UBS đã buộc phải nộp tiền phạt tổng cộng 1,5 tỷ USD để giải quyết các chi phí liên quan đến việc các nhân viên thao túng lãi suất Libor.

Andreas Brun, chuyên gia phân tích tại ngân hàng Zurich Cantonal Bank, cho rằng số tiền phạt được công bố ngày 12/11 chưa phải là dấu hiệu kết thúc mọi vấn đề mà mới chỉ là bước khởi đầu. Trưởng điều hành UBS Sergio Ermotti cũng thừa nhận mức phạt này là một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi và UBS phải tiếp tục hợp tác với các cuộc điều tra liên quan đang diễn ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục