Năm nhân tố giúp kinh tế thích nghi với giá dầu cao

Trong báo cáo vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh kinh tế toàn cầu đã có được nhiều bài học để thích nghi tốt hơn và có sức phục hồi mạnh hơn khi giá dầu biến động.

Trong thập niên qua, mặc dù giá dầu tăng gấp bốn lần nhưng nền kinh tế toàn cầu đã phản ứng hiệu quả hơn so với những năm 1970 và 1980, nhờ những thay đổi căn bản trong vận hành của nền kinh tế và các chính sách kinh tế vĩ mô - được các nhà kinh tế của IMF tóm lược trong năm nhân tố.
Trong báo cáo vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh kinh tế toàn cầu đã có được nhiều bài học để thích nghi tốt hơn và có sức phục hồi mạnh hơn khi giá dầu biến động.

Trong thập niên qua, mặc dù giá dầu tăng gấp bốn lần nhưng nền kinh tế toàn cầu đã phản ứng hiệu quả hơn so với những năm 1970 và 1980, nhờ những thay đổi căn bản trong vận hành của nền kinh tế và các chính sách kinh tế vĩ mô - được các nhà kinh tế của IMF tóm lược trong năm nhân tố.

Một là nhu cầu mạnh hơn. Nguyên nhân giá dầu cao trong thập niên 1970 và 1980 là do gián đoạn nghiêm trọng trong nguồn cung dầu. Trong khi đó, nguyên nhân dẫn đến giá dầu cao trong thập niên qua là do nhu cầu về dầu tăng vọt tại các nền kinh tế thị trường mới nổi.

Nhu cầu tăng vọt này đem lại lợi ích không chỉ cho các nền kinh tế này mà cho cả kinh tế toàn cầu, nâng cao điều kiện sống của người dân và tăng nhu cầu hàng hóa sản xuất từ nước ngoài. Nhu cầu dầu tăng vọt làm tăng giá dầu toàn cầu nhưng không làm trệch những lợi ích của tăng trưởng kinh tế.

Hai là chính sách của các ngân hàng trung ương. Trong thập niên qua, các ngân hàng trung ương và các nền kinh tế đã xử lý giá dầu cao một cách thông minh hơn nhiều. Trong thập niên 1970 và 1980, giá dầu tăng cao thúc đẩy nỗi lo lạm phát và người lao động bảo vệ lợi ích thông qua đòi tăng lương dẫn đến vòng xoáy dữ dội về tăng giá và lương.

Trong thập niên qua, do nhận thức được tác động của yêu sách đòi tăng lương cao dẫn đến mất việc làm và cải tổ thị trường lao động, người lao động chấp nhận mức lương phù hợp hơn với việc làm. Các ngân hàng trung ương thuyết phục được người lao động rằng giá dầu cao sẽ không dẫn đến lạm phát cao. Thực tế này đã tạo điều kiện để các ngân hàng này hỗ trợ lớn hơn tiến trình thúc đẩy phục hồi kinh tế sau khi giá dầu tăng mà không phải tăng lãi suất để ngăn ngừa lạm phát.

Ba là quay vòng lợi ích lợi nhuận từ giá dầu cao. Nguồn lợi của các nước xuất khẩu dầu đã đổ trở lại các nước nhập khẩu dầu, giúp các nước này làm giảm lãi suất cho các công ty và các hộ gia đình, hỗ trợ đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế này.

Bốn là hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Giá dầu cao trong thập niên qua không gây tác động như trong thập niên 1970 và 1980 do các nền kinh tế các nước sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả hơn. Lượng năng lượng được sử dụng để sản xuất 1 USD thu nhập đã liên tục giảm trong 40 năm qua. Xu hướng này dự kiến vẫn tiếp tục trong nhiều thập niên tới, đặc biệt ở các nền kinh tế thị trường mới nổi.

Năm là đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Các nền kinh tế ngày càng đa dạng các nguồn năng lượng. Nhờ đó, kinh tế thế giới ít bị tổn thương hơn khi có gián đoạn từ một nhà cung cấp hoặc từ một nguồn năng lượng nào. Các nước cũng tăng sử dụng nguồn khí đốt tự nhiên và nhập khí đốt từ nhiều nước khác nhau.

Các nhà kinh tế IMF cho rằng tới năm 2030, sử dụng năng lượng của thế giới sẽ đa dạng hơn nữa. Dầu lửa, than và khí đốt, mỗi dạng năng lượng này chiếm khoảng 30% thị trường năng lượng toàn cầu trong khi năng lượng hạt nhân, hyđro và năng lượng tái sinh chiếm 10% còn lại./.

Anh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục