Nạn buôn bán phụ nữ hoành hành ở Nepal sau động đất kinh hoàng

Các nhà vận động đã đưa ra cảnh báo về việc những kẻ buôn người lợi dụng sự tàn phá của trận động đất tại Nepal để buôn bán và vận chuyển hàng ngàn phụ nữ tới các nhà chứa trên khắp châu Á.
Nạn buôn bán phụ nữ hoành hành ở Nepal sau động đất kinh hoàng ảnh 1Những người phụ nữ xếp hàng dài để nhận lương thực tại một trại tị nạn ở Kathmandu 9 ngày sau trận động đất. (Nguồn: AFP)

Các nhà vận động đã đưa ra cảnh báo về việc những kẻ buôn người lợi dụng sự tàn phá của trận động đất tại Nepal để buôn bán và vận chuyển hàng ngàn phụ nữ tới các nhà chứa trên khắp châu Á, theo Daily Mail.

Số người thiệt mạng do thảm họa xảy ra vào tháng trước này đã lên tới 7.566 người, với hàng ngàn người mất nhà cửa, chủ yếu là tại các khu vực nông thôn nghèo khó.

Phụ nữ và trẻ em gái tại quốc gia vùng Himalaya này từ lâu đã trở thành mục tiêu của nạn buôn người.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, có tới 15.000 phụ nữ và trẻ em gái nước này bị bán sang các nhà chứa ở nước ngoài, chủ yếu là tới Ấn Độ, nhưng có thể tới tận Hàn Quốc.

Các nhóm cứu trợ cho biết các băng nhóm tội phạm đã giả mạo nhân viên cứu trợ, lợi dụng tình trạng hỗn loạn sau trận động đất để tăng cường hoạt động.

Sunita Danuwar, giám đốc tổ chức phi chính phủ Shakti Sumuha ở Kathmandu cho biết: “Đây là thời điểm mà những kẻ môi giới giả danh nhân viên cứu trợ để bắt cóc hay dụ dỗ phụ nữ.”

Nhân viên y tế Rashmita Shashtra chia sẻ trên tờ The Guardian rằng: “Người dân ở đây đang rất tuyệt vọng và sẽ chấp nhận bất kỳ cơ hội nào. Trong làng có những kẻ chỉ điểm đi thuyết phục các thành viên trong gia đình, và những kẻ môi giới địa phương thực hiện thỏa thuận mua bán. Chúng tôi biết chúng là những ai.”

Phóng viên Jason Burke của tờ The Guardian cũng phỏng vấn một người phụ nữ tên là Sita, 20 tuổi, về quá trình cô bị bắt cóc từ nhà mình ở Sindhupalchok, một ngôi làng gần Kathmandu vào năm ngoái.

Sita chia sẻ rằng ngày nào cô cũng bị buộc phải quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người đàn ông, có những ngày lên tới 30 người, trong vòng 1 năm trời tại một nhà chứa ở Ấn Độ trước khi được giải cứu trong một cuộc đột kích của cảnh sát.

Trong khi đó, đã có những tranh chấp nghiêm trọng xảy ra giữa Nepal và một số tổ chức quốc tế trong việc xử lý các khoản viện trợ được gửi tới nước này sau trận động đất. Hai bên đã đổ lỗi cho nhau khi xảy ra chậm trễ trong việc giúp đỡ các nạn nhân.

Thất vọng vì sự thiếu phối hợp này, một số nhà tài trợ hiện đã bỏ qua chính quyền làm trung gian mà thay vào đó trực tiếp gửi hàng cứu trợ tới các tổ chức phi chính phủ để phân phối cho người dân, trợ lý Thủ tướng Sushil Koirala cho biết. “Có vài bất đồng giữa chính phủ và một số nhà tài trợ về vấn đề này.”

Chính phủ Nepal đã bắt đầu yêu cầu các đội cứu trợ nước ngoài kết thúc hoạt động tìm kiếm và giải cứu khi hy vọng tìm thấy người sống sót trong những đống đổ nát ngày một mong manh hơn.

“Họ có thể rút về. Nếu họ cũng là chuyên gia trong việc dọn dẹp những đống đổ nát thì họ có thể ở lại,” Rameshwor Dangal, một quan chức thuộc Bộ Nội vụ Nepal phát biểu với hãng tin Reuters vào thứ Hai vừa qua.

Một nguồn tin từ Liên minh châu Âu cho biết còn khoảng 60 công dân EU vẫn đang mất tích.

Tuần trước, một quan chức cấp cao EU đã đưa ra con số ước tính vào khoảng 1.000 người.

Song, con số này đang giảm dần từng giờ khi các đội cứu hộ tìm đến những nơi hẻo lánh hơn, nguồn tin EU cho biết.

Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Laxmi Prasad Dhakal cho biết Chính phủ Nepal đã được thông báo về 318 người mất tích, bao gồm cả người nước ngoài, nhưng cũng cho biết rằng nhiều người khác có thể đang bị chôn dưới đất lở hoặc dưới những đống đổ nát từng là nhà ở của họ.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trực thăng riêng của đại sứ quán ở Kathmandu đã giải cứu được tổng cộng 17 công dân Mỹ từ những vùng sâu xa hẻo lánh bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Tính đến nay, Mỹ đã cung cấp khoảng 14,2 triệu USD cho công tác cứu trợ nhân đạo tại Nepal.

Chính phủ Nepal cho biết họ không đóng cửa khu vực đỉnh Everest đối với những người leo núi, mặc dù đường lên đỉnh núi đã bị trận động đất tàn phá.

Ít nhất 18 người đã thiệt mạng trên núi Everest khi trận động đất xảy ra.

Mỗi nhà leo núi phải trả 11.000 USD để được leo lên đỉnh Everest. Trong mùa leo núi này, đã có tổng cộng 357 nhà leo núi đã đăng ký leo đỉnh Everest.

Năm ngoái, Chính phủ đã nới rộng hoạt động cấp phép trong bối cảnh các đội leo núi bỏ mặc chuyến đi của họ sau khi một trận tuyết lở khiến 16 hướng dẫn viên leo núi người Sharpa thiệt mạng.

Liên hợp quốc cho biết 8 triệu trên tổng số 28 triệu dân Nepal đã phải chịu ảnh hưởng của trận động đất. Ít nhất 2 triệu người hiện đang cần có lều trại, nước uống, lương thực và thuốc men trong vòng 3 tháng tới.

Quỹ Trẻ em Liên hợp quốc cho biết hơn nửa triệu trẻ em Nepal đã được tiêm chủng để ngăn ngừa bùng phát bệnh sởi.

Ngoài ra, hiện có khoảng 1,7 triệu trẻ em thuộc các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang cần được viện trợ nhân đạo khẩn cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục