Nạn mua bán người ở Việt Nam ngày càng phức tạp

Theo đánh giá, nạn mua bán người ở Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi; có tổ chức chặt chẽ và móc nối với nước ngoài.
Tình hình mua bán người tại Việt Nam thời gian qua diễn biến ngày càng phức tạp, tính chất, thủ đoạn cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và móc nối với người nước ngoài.

Đây là đánh giá của Văn phòng Thường trực Phòng chống tội phạm và ma túy (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm) trong báo cáo tại Hội thảo quốc tế chia sẻ thông tin về phòng, chống mua bán người, diễn ra ngày 21/12, tại Hà Nội, do Bộ Công an tổ chức.

Theo báo cáo trên, điểm nóng nhất của tình trạng mua bán người ở Việt Nam là ở tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng số vụ mua bán người, phát hiện chủ yếu tại các địa phương: Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh…
 
Nạn nhân phần lớn là từ các tỉnh, thành phố phía Bắc bị đưa tới các tỉnh biên giới bán sang Trung Quốc. Đối tượng phạm tội mua bán người thường lừa gạt những cô gái dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm, rủ đi làm ăn, buôn bán…., sau đó lừa nạn nhân bán họ vào động mại dâm hoạt động dọc biên giới hoặc đưa vào vùng sâu, vùng xa để bán làm vợ bất hợp pháp.
 
Tính đến ngày 20/12/2012, toàn quốc phát hiện hơn 3.000 vụ, với hơn 5.000 đối tượng, lừa bán hơn 6.500 nạn nhân. So với 7 năm trước (1996-2003), phát hiện tăng 1.300 vụ, gần 2.500 đối tượng và 3.200 nạn nhân. Riêng năm 2012, phát hiện gần 500 vụ, hơn 800 đối tượng, lừa bán trên 850 nạn nhân; các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 437 vụ, bắt 719 đối tượng và tổ chức tiếp nhận 1.206 nạn nhân thông qua giải cứu, trao trả và nạn nhân tự trở về.
 
Cũng trong năm 2012, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 211 vụ với 453 bị can về tội mua bán người; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 196 vụ với 406 đối tượng phạm tội mua bán người để xét xử và đã giải quyết 194 vụ với 400 bị cáo.
 
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và các biện pháp phòng ngừa việc cưỡng bức lao động.
 
Qua những ý kiến, góp ý thiết thực của đại biểu, Ban Tổ chức đã xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2013-2015 là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống mua bán người; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho toàn xã hội.
 
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp nắm chắc tình hình, kịp thời đề ra các kế hoạch, biện pháp đấu tranh chống tội phạm mua bán người. Lực lượng Công an tiếp tục tập trung lực lượng điều tra, khám phá, bóc gỡ các đường dây tội phạm mua bán người hoạt động xuyên quốc gia và quốc tế; mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, nhất là trên các tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia.

Các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đa phương, song phương giữa Việt Nam với các nước, tổ chức quốc tế về phòng, chống mua bán người…/.

Nguyễn Hồng Cường (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục