Nạn thuốc giả, thuốc nhái đang ngày càng phổ biến

Phát biểu tại hội thảo sáng 29/10, Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang cho biết nạn thuốc giả, thuốc nhái đang diễn ra phổ biến, trầm trọng.
Sáng  29/10 tại Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội phối hợp với Cục quản lý Dược, Bộ Ngoại giao Pháp và chương trình đối tác vì an toàn thuốc của Hoa Kỳ tổ chức hội thảo quốc tế "Thuốc giả: Từ thực tiễn đến hành động."

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khẳng định, khi kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc giả, thuốc nhái nhãn hiệu phổ biến ngày càng nhiều.

Ông Quang dẫn chứng, theo Tổ chức Y tế Thế giới, đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu và thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới. Đặc biệt, hiện nay nhiều loại thuốc chống sốt rét trên thế giới bị làm giả khá nhiều. Thuốc chống bệnh sốt rét bị làm giả nhiều nhất và đang xuất hiện ở nhiều nước thuộc khu vực châu Á.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm Trung ương số lượng thuốc giả đã phát hiện trong năm 2011 là 31 mẫu; trong đó 11 mẫu thuốc tân dược và 20 mẫu thuốc đông dược, bao gồm cả nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Cũng trong năm 2011, trong số 48.261 mẫu thuốc đã được tiến hành kiểm nghiệm chất lượng thì có đến 940 mẫu không đạt tiêu chuẩn.

Điều này cho thấy tình hình thuốc giả, thuốc kém chất lượng hiện nay diễn biến rất phức tạp và ngày càng được làm giả một cách tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác điều trị của bác sỹ và đặc biệt gây ngộ độc thuốc nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, người sử dụng.

Theo thống kê, hiện nay mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả.

Trước thực trạng này, tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 vấn đề cơ bản: Thuốc giả từ thực trạng toàn cầu đến các vấn đề của địa phương; Đảm bảo an toàn phương pháp kiểm nghiệm chất lượng và Hoạt động quản lý trong phòng chống thuốc giả là sự cần thiết của mạng lưới chống thuốc giả khu vực.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận chia sẻ các kinh nghiệm trong việc quản lý thuốc và phòng chống thuốc giả với mục đích tăng cường sự hiểu biết về thuốc giả và các hệ lụy do thuốc giả gây ra, qua đó góp phần giúp Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp cận một cách tổng thể và khoa học hơn về vấn nạn thuốc giả./.
 
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục