"Nâng cao địa vị pháp lý của luật sư trong tiến trình tố tụng"

Tại buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh các cơ quan tư pháp cần đề cao hơn nữa và đảm bảo địa vị pháp lý của luật sư trong tiến hành tố tụng.
"Nâng cao địa vị pháp lý của luật sư trong tiến trình tố tụng" ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sáng 19/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới thăm và làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, kể từ thời điểm thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam (năm 2009) đến nay, cả nước có hơn 8.879 luật sư, với 63 Đoàn luật sư tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Số lượng luật sư tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong thời gian này, số lượng vụ việc luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý là hơn 67.400 vụ án hình sự, trên 54.000 vụ án dân sự, 5.460 vụ án kinh tế, 4.400 vụ án hành chính…

Liên đoàn đã tham gia đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; tham gia Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và công tác xây dựng pháp luật. Liên đoàn đã 4 lần ra Tuyên bố phản đối phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trung tâm tư vấn pháp luật của Liên đoàn đã tư vấn, bào chữa miễn phí, tổ chức tư vấn miễn phí cho hàng ngàn đồng bào vùng sâu, vùng xa; tham gia giải tỏa khiếu kiện đông người…

Đáng chú ý, trong thời gian này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhận được 141 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư về việc bị cản trở từ phía cơ quan tiến hành tố tụng như: bị cán bộ điều tra, trại tạm giam ngăn cản trái pháp luật việc gặp bị can, bị cáo; từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa vì những lý do không đúng luật. Đặc biệt trong quá trình hành nghề, một số luật sư còn bị hành hung, gây thương tích nặng…

Các thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự, trong đó đảm bảo sự bình đẳng giữa luật sư với kiểm sát viên; bãi bỏ quan hệ, cơ chế xin-cho, bỏ quy định về việc cấp Giấy chứng nhận bào chữa; mở rộng phạm vi các vụ án hình sự bắt buộc có luật sư tham gia bào chữa tại các phiên tòa.

Liên đoàn cũng kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có Chương VIII về bảo đảm thực hiện quyền bào chữa trong tố tụng hình sự; nâng cao địa vị pháp lý của luật sư trong các quan hệ tố tụng.

Góp ý với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp đều cho rằng, sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực sự là “ngôi nhà chung”, tập hợp và đại diện cho quyền và lợi ích của đội ngũ luật sư cả nước, đánh dấu một bước tiến mới trong cải cách tư pháp.

Nhiều ý kiến tán thành với quan điểm mở rộng hoạt động của luật sư trong tiến trình tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra; tạo tính độc lập giữa nơi tạm giam, tạm giữ với Cơ quan điều tra; tránh hành vi cản trở việc gặp gỡ giữa luật sư với bị can theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Liên đoàn cần chú ý hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đảm bảo trình độ đồng đều của luật sư; chú trọng hơn hoạt động tư vấn của luật sư, nhất là các vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Việc triển khai thi hành Hiến pháp là cơ sở quan trọng đưa đất nước ta tiếp tục đi lên theo con đường xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp quyền; trong đó, có trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bình đẳng trong tố tụng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, với vai trò “ngôi nhà chung” của giới luật sư cả nước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tạo ra sức mạnh, đảm bảo cho nghề luật sư phát triển với mục tiêu bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, trong đó có các quyền về chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa, xã hội theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Khẳng định, nghề Luật sư có vai trò quan trọng, là một định chế không thể thiếu trong tiến trình tố tụng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, một người chỉ được coi là có tội khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án. Do đó, các cơ quan tư pháp cần đề cao hơn nữa và đảm bảo địa vị pháp lý của luật sư trong tiến hành tố tụng.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Liên đoàn Luật sư tổ chức thành công Đại hội lần thứ II sắp tới với tinh thần đổi mới, thực hiện thành công Cương lĩnh phát triển của Liên đoàn; không ngừng nâng cao vai trò, địa vị pháp lý của luật sư, tăng cường sức mạnh nghề luật sư, giới luật sư.

Bên cạnh đó, Liên đoàn và giới luật sư cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp; tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi những bộ luật liên quan đến hoạt động luật sư và khối tư pháp và tiếp tục làm tốt vai trò phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp 2013.

Đề cập đến công tác xây dựng đội ngũ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Liên đoàn phải xây dựng tổ chức luật sư ngày càng vững mạnh. Luật sư phải có đạo đức trong sáng, có lương tâm nghề nghiệp, khắc phục tình trạng vừa thiếu, vừa yếu và một số luật sư còn có hành vi tiêu cực vừa qua.

“Nhiệm vụ quan trọng nhất của Liên đoàn là tổ chức được lực lượng luật sư thực sự mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước,” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục