Nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu khẳng định công tác đấu thầu luôn đòi hỏi phải có một khung pháp lý hoàn thiện và đồng bộ để khắc phục những bất cập và hạn chế trong hoạt động đấu thầu.

Lựa chọn nhà thầu trong hoạt động đấu thầu luôn là một vấn đề ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, có thể gây nguy cơ thất thoát, tham nhũng ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, cơ chế thực hiện giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu khẳng định công tác đấu thầu luôn đòi hỏi phải có một khung pháp lý hoàn thiện và đồng bộ để khắc phục những bất cập, cũng như những hạn chế trong hoạt động đấu thầu.

Vẫn còn kẽ hở

Bộ Công Thương cho rằng trước khi Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 26/11/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7 năm nay, việc đấu thầu các dự án trong ngành công nghiệp nặng được các chủ đầu tư tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009.

Thực hiện các văn bản này, việc lựa chọn nhà thầu có hồ sơ dự thầu đạt tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật nhưng ở mức tối thiểu là đạt yêu cầu của hồ sơ mời thầu (thường khoảng 70%), giá bỏ thầu thấp nhất nên có nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu.

Do vậy, Bộ Công Thương nhìn nhận, việc lựa chọn nhà thầu phù hợp để thực hiện dự án đầu tư có giá thấp nhưng đảm bảo chất lượng là hết sức khó khăn.

Thực tế khi triển khai các gói thầu giá thấp cho thấy trong quá trình thực hiện hợp đồng, các nhà thầu này thường thi công chậm tiến độ, chất lượng thiết bị cung cấp cho dự án không đảm bảo, phải hiệu chỉnh nhiều lần, chậm tiến độ hoặc cố tình tìm cách yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh, nâng giá của gói thầu, làm tăng tổng mức đầu tư và cũng khiến cho hiệu quả đầu tư giảm.

Đơn cử như một số dự án do nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện như Dự án Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 do Nhà thầu MCC Trung Quốc làm Tổng thầu EPC.

Sau khi trúng thầu không tiếp tục triển khai mà đề nghị tăng giá mới tiến hành, dẫn đến phần xây lắp của Dự án phía Chủ đầu tư phải thu xếp Nhà thầu phụ của Việt Nam thực hiện, làm cho Tổng mức đầu tư tăng và cũng khiến dự án chậm hơn ba năm.

Hay như Dự án sản xuất Alumin Tân Rai do Nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) trúng thầu (tháng 10/2013) cũng làm tăng tổng mức đầu tư của Dự án thêm 35,37% và khiến tiến độ Dự án chậm gần hai năm.

Chỉ ra những bất cập trong hoạt động đấu thầu thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), cho rằng Luật Đấu thầu cũ thiếu hướng dẫn về hệ số quy đổi liên quan đến xuất xứ vật tư, phụ kiện hàng hóa khi xét giá, đánh giá gây nhiều khó khăn trong công tác xét thầu và vì thế chỉ chọn được nhà thầu với giá thấp.

“Cả thế giới phải thua Trung Quốc nếu chỉ xét về giá. Và Trung Quốc đã thắng hầu hết các dự án lớn ở Việt Nam,” ông Thụ nhấn mạnh.

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, cho biết có một thực tế trong thời gian qua khi thực hiện các dự án xây lắp trong lĩnh vực giao thông là tình trạng nhiều nhà thầu ra sức tìm cách bỏ giá thầu thấp để thắng thầu, nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại không đủ năng lực dẫn đến chậm tiến độ hoặc chất lượng công trình không bảo đảm.

Tình trạng này đã tạo kẽ hở cho nhiều đơn vị dù không có năng lực thực sự về kỹ thuật lẫn tài chính nhưng vẫn tìm mọi cách tham gia đấu thầu giá thấp rồi lại “bán” dự án cho nhà thầu khác. Đây là hình thức đấu thầu vẫn hay được gọi là “mượn đầu heo nấu cháo.”

Người đứng đầu về công tác quản lý đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đầu thầu, cho biết: “Nếu chúng ta nhìn vào hiện tượng và liệt kê trong thời gian vừa qua số lượng các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu rất là lớn. Bởi, có hai mặt của vấn đề, thứ nhất là rất nhiều dự án Việt Nam vay vốn của Trung Quốc với vốn ưu đãi. Khi vay vốn ưu đãi, các nước có quan hệ song phương, hầu hết họ có điều kiện là dành công việc cho nhà thầu của nước họ làm.”

Ông Tăng cũng cho rằng nguyên nhân hiện tượng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều là do thời gian qua khi lập dự án, đặc biệt là các dự án nhà máy nhiệt điện thì Việt Nam luôn tính suất đầu tư thấp.

Ví dụ như một dự án điện có thiết bị và công nghệ hiện đại thì suất đầu tư cần là 1 tỷ USD. Ở mức này thì các nhà thầu Nhật, nhà thầu châu Âu có thể tham gia.

“Nhưng nếu chúng ta chỉ lập ra dự án với mức đầu tư 700 triệu USD thì chỉ phù hợp với thiết bị và nhà thầu của Trung Quốc. Với giá đó thì các nhà thầu Châu Âu, Mỹ không thể tham gia và có tham gia thì giá của họ luôn vượt giá chào của nhà thầu Trung Quốc, nên khó có thể thắng thầu,” ông Tăng bày tỏ.

Theo Bộ Công Thương, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà thầu, đó là hạn chế về tổng mức đầu tư của Dự án, năng lực của các tổ chức đấu thầu, sự chênh lệch về trình độ khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Đặc biệt là đối với các dự án đặc thù về công nghệ, lần đầu tiên được đầu tư trong nước thì việc đưa ra các tiêu chí để lựa chọn nhà thầu phù hợp là không đơn giản.

Trong khi đó, các nhà thầu Việt Nam khi tham gia dự thầu không thể chào thầu với giá thấp trong khi không có trợ giá và các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ.

Mặt khác, tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu chưa đồng đều và còn hạn chế ở một số địa phương; vấn đề quản lý sau đấu thầu cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Ngay trong hồ sơ mời thầu, do trình độ của các chuyên gia còn hạn chế nên đã đưa ra đầu bài không được tốt; rồi tiếp đến là năng lực của chuyên gia khi chấm thầu.

Bên cạnh đó, một số dự án thực hiện chưa hiệu quả cũng do nhiều nguyên nhân như giải phóng mặt bằng chậm, nguồn vốn đối ứng không sẵn sàng, chọn nhà thầu năng lực yếu, chế tài trong hợp đồng không chặt chẽ và giám sát quá trình thực hiện hợp đồng chưa quyết liệt.

Tạo cú hích mới

Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động đấu thầu vừa qua, với nhiều điểm mới nổi bật, Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/7 được đánh giá là tạo ra một cú hích lớn, một bước tiến thực sự có ý nghĩa trong hoạt động đấu thầu.

Một trong những điểm nổi bật trong Luật nhằm tạo ra sự minh bạch trong đấu thầu là cho phép áp dụng phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ, nghĩa là túi hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được đánh giá trước và nhà thầu nào đáp ứng về kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật chất lượng thì mới được bóc túi hồ sơ về tài chính ra để cùng so sánh.

Ông Tăng phân tích: “Như vậy, chúng ta mới loại ra được nhà thầu yếu, năng lực kém. Trước đây, chúng ta mở đồng thời túi về tài chính cũng như túi về kỹ thuật. Trong một số trường hợp thì nhà thầu yếu nhưng họ chào với giá thấp thì tổ chuyên gia lúng túng. Còn lần này, không bóc túi tài chính nên không biết giá chào thầu cao hay thấp, tổ chuyên gia sẽ đánh giá khách quan hơn.”

Tiếp đến, cho phép chấm điểm về uy tín nhà thầu, đưa ra rất nhiều phương pháp đánh giá hồ sơ nhà thầu, quan trọng nhất là song song với Luật Đấu thầu thì Quốc hội cũng thông qua Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, hai Luật này sẽ hỗ trợ tốt cho công tác đấu thầu. Trong đó, Luật Đầu tư công sẽ quyết định các dự án đầu tư một cách chuẩn xác; đồng thời, Luật này sẽ phân bổ vốn trung hạn cho dự án là 5 năm, chứ không phân bổ hàng năm nữa.

Ngoài ra, chế tài của Luật Đấu thầu 2013 khi xử lý vi phạm nghiêm và rất rõ ràng, quá trình đấu thầu có giám sát của cơ quan cấp trên cơ quan quản lý đấu thầu; đồng thời, quy định nhà thầu đưa lao động nước ngoài vào mà không tuân thủ theo quy định trong Luật này thì nhà thầu sẽ bị cấm hoạt động từ 1-5 năm.

Trên thực tế, hầu hết các nhà thầu cũng tin tưởng rằng khi sự minh bạch, sự cạnh tranh được công khai, sẽ tạo niềm tin cho các nhà thầu có tiềm năng tham gia vào hoạt động đấu thầu. Họ sẽ không còn lo lắng các nhà thầu khác lợi dụng mối quan hệ để trúng thầu.

Ông Nguyễn Văn Thụ đề xuất cần phải bóc tách các dự án lớn mà trước đây chỉ giao cho một tổng thầu nước ngoài làm cả thì nay phải tìm ra những phần việc thành phần trong dự án mà trong nước có thể thiết kế hoặc thi công.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp cũng được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao là tới đây, việc áp dụng đấu thầu qua mạng cũng sẽ tiết kiệm chi phí trong đấu thầu, tăng cường mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, cũng cho rằng với việc ban hành Luật Đấu thầu và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn từng bước được hoàn thiện, kết quả đấu thầu còn phụ thuộc vào năng lực con người như chủ đầu tư, bộ máy quản lý dự án, tư vấn lập hồ sơ mời thầu, tổ chuyên gia xét thầu và người quyết định kết quả đấu thầu. Nếu làm đúng các quy định sẽ giải quyết triệt để những tồn tại trong công tác đấu thầu vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục