Nâng cao kỹ năng tiếng Pháp cho cán bộ công chức

Khóa bồi dưỡng tiếng Pháp cho cán bộ công chức trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và tổ chức OIF đã được khai giảng.
Ngày 27/3, tại Hà Nội, Học viện ngoại giao đã khai giảng các khóa bồi dưỡng tiếng Pháp trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) về đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức Việt Nam giai đoạn 2013-2016.

Tới dự buổi lễ có đại diện khu vực của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương, bà Anissa Barrak; Đại sứ và đại diện các sứ quán nước ngoài tại Việt Nam; Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao, đại diện quốc gia Việt Nam bên cạnh tổ chức quốc tế Pháp ngữ Nguyễn Ngọc Sơn; Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Đình Thao.

Tại lễ khai giảng, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Đình Thao cho biết năm 2013 là năm đầu tiên triển khai thỏa thuận hợp tác, đánh dấu một bước phát triển mới của Cộng đồng Pháp ngữ tại Việt Nam.

Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trong việc triển khai thỏa thuận. Học viện Ngoại giao đã vinh dự là cơ sở được ủy nhiệm phối hợp chặt chẽ với Vụ Tiếng Pháp và Đa dạng ngôn ngữ của OIF triển khai thỏa thuận này. Đây là một sự ghi nhận đối với truyền thống và đóng góp của trường, nơi đào tạo các cán bộ đối ngoại của Việt Nam từ 50 năm nay.

Bà Anissa Barrak, Đại diện khu vực của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh, khóa bồi dưỡng tiếng Pháp dành cho các nhà ngoại giao và cán bộ đối ngoại là cam kết xuất phát từ vai trò trung tâm của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực.

Đây là một cam kết thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc quảng bá tiếng Pháp trên cơ sở thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ trong quan hệ quốc tế.

Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao, đại diện quốc gia Việt Nam bên cạnh tổ chức quốc tế Pháp ngữ Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh đây là một trong những biện pháp cụ thể nhằm triển khai chủ trương của các nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu Chính phủ các nước thành viên OIF tại Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tại Kinshasa là tăng cường hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực thực hiện dự án. Điều này cho thấy sự quan tâm, tin tưởng của OIF dành cho Việt Nam với tư cách là một trong những nước thành viên Pháp ngữ năng động tại khu vực.

Đối với Việt Nam, đây là đòn bẩy quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực tiếng Pháp cho các Bộ ngành thông qua việc nâng cao trình độ tiếng Pháp cho đội ngũ cán bộ ngoại giao và công chức của Việt Nam, nhất là những người đang phụ trách vấn đề hợp tác quốc tế tại các Bộ, ngành.

Những khóa đào tạo tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp trong ngành ngoại giao và hành chính công đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của cán bộ, ngành nói chung và đặc biệt của Bộ Ngoại giao trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập trên trường quốc tế.

Hiện nay Bộ Ngoại giao có 226 cán bộ ngoại giao và viên chức sử dụng tiếng Pháp như ngôn ngữ thứ nhất hoặc thứ hai trong công việc.

Chương trình này do Tổ chức OIF và Việt Nam đồng tài trợ sẽ củng cố kỹ năng làm việc bằng tiếng Pháp cho các cán bộ ngoại giao và viên chức phụ trách hợp tác song phương và đa phương.

Hiện tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của 32 Nhà nước và Chính phủ trên toàn thế giới và là ngôn ngữ làm việc trong hệ thống các cơ quan của Liên hợp quốc cũng như của đa số các tổ chức quốc tế khác.

Chương trình đào tạo "Tiếng Pháp trong ngành ngoại giao và hành chính công" được Học viện Ngoại giao xây dựng dựa trên nhu cầu và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước, giảng dạy tiếng Pháp cho những chuyên ngành đa dạng (quan hệ quốc tế, ngoại giao, lễ tân ngoại giao, đàm phán quốc tế, hội thảo quốc tế, soạn thảo các tài liệu hành chính và ngoại giao, kỹ thuật dịch thuật), các khóa thực tập ngôn ngữ, các hội nghị và hội thảo...

Trong số 370 đơn vị đăng ký, 190 người sẽ được nhận và học khi kiểm tra trình độ. Ngoài việc triển khai kế hoạch đào tạo năm 2013, Việt Nam tham gia tích cực vào dự án thể hiện qua việc đóng góp 24,2% cho phí của dự án trong năm 2013 và cung cấp các cán bộ nguồn của Bộ ngoại giao./.

Thanh Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục