Nâng cao năng lực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại

Dự án Ngăn ngừa và quản lý sinh vật rừng ngoại lai xâm hại ở rừng sản xuất và rừng được bảo vệ sẽ được thực hiện tại Việt Nam.

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Chương trình Liên hợp quốc (UNEP) phối hợp với Trung tâm Sinh học Nông nghiệp Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo dự án quốc tế lần thứ hai của dự án "Ngăn ngừa và quản lý sinh vật rừng ngoại lai xâm hại ở rừng sản xuất và rừng được bảo vệ khu vực Đông Nam Á” (IAS).

Dự án được thực hiện trong vòng 4 năm (2012-2015) tại bốn nước gồm Indonesia, Philippines, Campuchia và Việt Nam.

Cuộc họp này nhằm củng cố hệ thống thể chế, chính sách và tăng cường năng lực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với các vấn đề sinh vật ngoại lai xâm hại.

Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết mục tiêu cụ thể của dự án là hỗ trợ tăng cường khung pháp lý và chính sách quốc gia về quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại; nâng cao năng lực về quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại của các nhà quản lý và cộng đồng địa phương; tăng cường việc hợp tác, chia sẻ thông tin về sinh vật ngoại lai xâm hại với các quốc gia trong khu vực.

Dự án góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề sinh vật ngoại lai xâm hại thông qua các hoạt động truyền thông và triển khai mô hình diệt trừ một loài ngoại lai xâm hại điển hình (loài trinh nữ mimosa Diplochiocha); thực hiện chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về loài sinh vật ngoại lai xâm hại.

Dự án gồm có 5 hợp phần gồm hỗ trợ khung pháp lý và chính sách quốc gia về quản loài ngoại lai xâm hại; tăng cường hợp tác khu vực về quản lý các loài ngoại lai xâm hại; hỗ trợ xây dựng năng lực quản lý các loài ngoại lai xâm hại; thử nghiệm trình diễn và kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai.

Theo thống kê của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, số lượng thực vật ngoại lai xâm hại hiện có khoảng 94 loài, trong đó có 42 loài xâm hại thuộc họ thực vật; 48 loài động vật thủy sinh ngoại lại.

Đáng lo ngại là có những trường hợp du nhập những loài thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam với số lượng lớn, nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ đã để xảy ra tình trạng bùng phát trong tự nhiên và gây ra tác hại nặng nề./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục