Nâng cấp xong Quốc lộ 14: Động lực để Tây Nguyên "cất cánh"

Về đích sớm, thi công đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, tiết kiệm trên 2.000 tỷ đồng so với dự toán, dự án nâng cấp Quốc lộ 14 cũ được cho là sẽ tạo động lực cho Tây Nguyên "cất cánh."
Nâng cấp xong Quốc lộ 14: Động lực để Tây Nguyên "cất cánh" ảnh 1Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngay sau khi Hội đồng Nghiệm thu cấp Nhà nước đã nghiệm thu, từ ngày 27 đến ngày 30/6, Bộ Giao thông Vận tải cùng với các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước đã lần lượt tổ chức thông xe kỹ thuật có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua (Quốc lộ 14).

Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên-Chơn Thành (Bình Phước) là công trình trọng điểm cấp quốc gia mà theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, công trình không những về đích sớm, thi công đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, tiết kiệm trên 2.000 tỷ đồng so với dự toán mà còn có tính thẩm mỹ cao, trở thành một trong những tuyến đường đẹp của Việt Nam.

Cán đích sớm hơn 1 năm

Tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14 cũ) từ Đắk Giôn tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước dài khoảng 663km, đi qua 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và kéo dài đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Đây là trục dọc chính số một để kết nối các hệ thống các tuyến đường ngang, đường hành lang Đông-Tây (Quốc lộ 24, 25, 19, 26, 27, 28….) và với khu vực miền Trung, Đông Nam Bộ cũng như kết nối với các nước trong khu vực (Lào, Campuchia) đóng vai trò quan trọng quyết định trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Ngoài 110km từ Đắk Giôn-Tân Cảnh (Kon Tum) đã hoàn thành trong giai đoạn 1, từ năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải cùng các nhà đầu tư tiến hành triển khai thi công tiếp từ đoạn Km444+400, Quốc lộ 14 (Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum) đến Km994+188, Quốc lộ 14 (thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) thuộc khu vực Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước có chiều dài 553km.

Theo Bộ Giao thông Vận tải đến tháng 6 năm 2015 dự án đường Hồ Chí Minh- Bình Phước đã hoàn thành, vượt trước kế hoạch hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội. Chỉ riêng đoạn từ Km444+400 đến Km994+188 dự án có tổng vốn đầu tư trên 19.010 tỷ đồng, trong đó, vốn Trái phiếu Chính phủ 12.966 tỷ đồng và vốn của các nhà đầu tư bằng hình thức BOT là 6.044 tỷ đồng, với 208km, gồm 5 dự án.

Đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Lắk có độ dài 119km, qua tỉnh Gia Lai có độ dài 113km, qua tỉnh Đắk Nông dài 159 km…Quy mô đầu tư toàn tuyến (đoạn ngoài đô thị) theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng cho 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, một số đoạn qua đô thị được mở rộng 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, với tốc độ ngoài đô thị là 80 km/giờ và qua đô thị là 60 km/giờ. Hướng tuyến, cơ bản bám theo đường cũ, mở rộng hai bên để hạn chế giải phóng mặt bằng, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn…

Trong quá trình triển khai thi công, dự án đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước luôn đối mặt với không ít khó khăn như khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, mùa mưa đến sớm, kéo dài từ 7 đến 8 tháng/năm, nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông thông suốt.

Đặc biệt, từ năm 2013, Chính phủ đã tạo điều kiện cho Bộ Giao thông Vận tải được áp dụng một cơ chế đặc thù như: có cơ chế huy động vốn để đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, cho phép ứng trước vốn để triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện chỉ định thầu trong công tác thiết kế, thi công, lựa chọn nhà đầu tư.

Sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, sự ủng hộ, chia sẻ khó khăn của đồng bào các dân tộc vùng dự án trong công tác giải phóng mặt bằng nên chỉ sau một thời gian ngắn mặt bằng đã sớm bàn giao cho các đơn vị thi công.

Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt các biện pháp quản lý, điều hành hợp lý như xây dựng kế hoạch thi công phù hợp với đặc thù thời tiết của khu vực Tây Nguyên, kịp thời giải quyết những khó khăn về nguồn nguyên vật liệu để chủ động nguồn vật liệu đáp ứng tiến độ thi công, chủ động thành lập tổ chuyên gia kiểm soát chất lượng độc lập, kiên quyết loại bỏ, thay thế các nhà thầu, tư vấn giám sát vi phạm tiến độ, chất lượng cùng với các nhà thầu ngày đêm bám sát công trường, thi công liên tục 3 ca nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng cho dự án.

Hiện nay, trên toàn tuyến không có xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe, đảm bảo giao thông êm thuận, thông suốt.

Tạo động lực cho Tây Nguyên “cất cánh”

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, dự án đường nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên- Bình Phước đã hoàn thành là đóng góp rất quan trọng tạo động lực cho các tỉnh Tây Nguyên phát triển nhanh hơn về kinh tế, xã hội, bảo đảm tăng cường an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Thật vậy, trước đây, khi dự án chưa được triển khai, tuyến Quốc lộ 14 cũ xuống cấp, hư hỏng trầm trọng ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao, là điểm nghẽn cho việc phát triển kinh tế vào Tây Nguyên.

Hiện nay, tuyến đường đã hoàn thành, giao thông trên tuyến đã được thuận lợi hơn rất nhiều, thời gian đi lại giữa các tỉnh được rút ngắn, tháo gỡ điểm nghẽn quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Tây Nguyên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Các doanh nghiệp vận tải cũng như đông đảo đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên ai ai cũng hồ hởi trước việc đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên- Bình Phước đã được đầu tư nâng cấp, thông suốt.

Ông Trương Văn Luận, Phó Giám đốc nhà xe Thuận Tiến, tỉnh Gia lai cho biết, hiện nay nhờ đường thông thoáng, êm thuận nên hành trình xe khách từ trung tâm thành phố Pleiku đi về thành phố Hồ Chí Minh không chỉ còn trên dưới 12 giờ đồng hồ, nhanh hơn thời gian trước gần 4 tiếng đồng hồ mà còn tiết kiệm được xăng dầu, xăm lốp, người đỡ vất vã hơn, đảm bảo an toàn giao thông hơn...

Còn ông Lê Hoàng Cơ, Giám đốc Công ty du lịch-khách sạn Đam San (Đắk Lắk), Ủy viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì hồ hởi cho biết, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên- Bình Phước giờ rất đẹp, nếu đi ôtô không những rút ngắn thời gian đi lại giữa Buôn Ma Thuột với thành phố Hồ Chí Minh trước đây là 10 tiếng nay giảm xuống chỉ còn 6 tiếng mà phong cảnh rất đẹp chắc chắn sẽ thu hút thêm được nhiều khách du lịch đi bằng đường bộ đến với Tây Nguyên hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Y Dhăm Ênuôl và Phó Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Đào Xuân Liên đều khẳng định, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên như là xương sống của Tây Nguyên, hết sức quan trọng.

Nay đường thông thoáng là có điều kiện hơn trong việc kết nối giao thương nông sản hàng hóa, thu hút đầu tư của Tây Nguyên với khu vực miền Trung, Đông Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh cũng như các nước trong khu vực…

Ngay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 3 tổ chức tại Lâm Đồng, khi nghe thông tin dự án đường Hồ Chí Minh-Bình Phước đã được nâng cấp, thông xe, các nhà đầu tư trong, ngoài nước đã đăng ký trên 30 dự án vào Tây Nguyên, với tổng vốn đăng ký trên 31.128 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), du lịch, thương mại, chế biến sản phẩm nông nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản, năng lượng, giáo dục…

Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên-Bình Phước đã được tháo gỡ điểm nghẽn tạo đà cho Tây Nguyên “cất cánh,” góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đó là ước mơ trở thành hiện thực của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bao đời nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục