Nâng quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào lên tầm cao mới

Hai nước phát triển hợp tác giữa các vùng, miền, các địa phương có biên giới liền kề, hoàn thiện hơn nữa các chính sách ưu tiên, ưu đãi đã dành cho nhau, chủ động thúc đẩy hợp tác ở cả ba cấp.
Nâng quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào lên tầm cao mới ảnh 1 Các đại biểu chủ trì hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Ngày 5/6, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào và Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào tổ chức Hội thảo 55 năm quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Việt Nam-Lào có mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện gắn bó từ lâu đời. Trong thời kỳ chiến tranh chống lại kẻ thù xâm lược, cũng như trong quá trình bảo vệ, xây dựng đất nước, hai nước luôn kề vai sát cánh bên nhau.

Từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, trải qua 55 năm, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào ngày càng khởi sắc.

Từ năm 1989 đến nay, đầu tư của Việt Nam vào Lào đã đạt gần 4 tỷ USD. Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào đạt hơn 800 triệu USD. Năm 2017, các ngành khác cũng dự kiến tăng trưởng hơn 10%.

Việt Nam luôn ủng hộ, giúp đỡ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xóa đói giảm nghèo. Hai nước cũng rất quan tâm củng cố đường giao thông vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong phát triển thương mại và hợp tác đầu tư.

Ông Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết trong thời kỳ đấu tranh chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, hai nước đã thành lập Liên quân Việt-Lào để cùng chung sức chiến đấu chống kẻ thù chung.

Những chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên đã sang Lào cùng chiến đấu, sát cánh bên lực lượng vũ trang Pathet Lào. Tinh thần chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh xương máu và phối hợp chặt chẽ giữa những người con ưu tú của hai dân tộc đã góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân cũ của hai nước đi đến thắng lợi vẻ vang, với việc ký Hiệp định Geneva 1954.

Ông Thongsalith Mangnomek, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào cũng cho biết Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam đã có mối quan hệ vững chắc, thể hiện trong việc đề ra những chủ trương đoàn kết giữa hai dân tộc một cách hài hòa, vì sự nghiệp cách mạng chung và vì độc lập, tự do của mỗi nước. Mối quan hệ hợp tác và tình đoàn kết đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước ngày càng phát triển và bền vững, được khẳng định từ lãnh đạo của hai nước.

Trong thời gian tới, trước những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và yêu cầu phát triển của mỗi nước, hai nước đặt ưu tiên cao nhất là cùng nỗ lực nhằm nâng quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt-Lào lên tầm cao mới, với phương châm thực chất, chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế; nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế song phương tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có.

Bên cạnh đó, hai nước phát triển hợp tác giữa các vùng, miền, các địa phương có biên giới liền kề giữa hai nước, hoàn thiện hơn nữa các chính sách ưu tiên, ưu đãi đã dành cho nhau, chủ động thúc đẩy hợp tác ở cả ba cấp: Chính phủ với Chính phủ, địa phương với địa phương và doanh nghiệp với doanh nghiệp, tạo sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế.

Trong từng thời kỳ, hai nước xác định một số trọng tâm hợp tác kinh tế cụ thể, phù hợp với khả năng, nhu cầu của mỗi nước và mang lại lợi ích cho cả hai phía; tập trung tổ chức thực hiện triệt để, đồng thời thường xuyên theo dõi giám sát để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục