NATO nhất trí cách thức tăng khả năng phòng thủ

Các bộ trưởng quốc phòng NATO nhất trí các mục tiêu cho những chương trình “tham vọng hơn” nhằm tăng khả năng phòng thủ của khối.
Hội nghị bộ trưởng quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kết thúc chiều 22/2 với việc đạt được nhất trí về các mục tiêu cụ thể cho những chương trình “tham vọng hơn” nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của khối.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh trong một thập kỷ qua, tại Afghanistan, Kosovo và các chiến trường khác, quân nhân các nước thành viên NATO đã biết cách hợp tác và phối hợp tác chiến với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết. Hiện thách thức mà NATO phải đối mặt trong thập kỷ tới là duy trì và truyền đạt những kinh nghiệm đó.

Theo ông Rasmussen, NATO sẽ ứng phó với thách thức đó bằng “Sáng kiến kết nối lực lượng,” trong đó có việc mở rộng đào tạo và huấn luyện cũng như tăng cường tập trận cho giai đoạn 2015-2020. Lực lượng phản ứng nhanh của NATO (NRF), vốn được chuẩn bị sẵn sàng thông qua các chu kỳ huấn luyện và tập trận hàng năm, sẽ là nòng cốt của sáng kiến này.

Các bộ trưởng cũng đã thảo luận cách thức đẩy mạnh hiệu quả và minh bạch hóa việc hoạch định và chi tiêu quốc phòng. Trả lời giới báo chí về vấn đề cơ chế ngân quỹ chung, ông Rasmussen nêu rõ NATO đã quyết định tăng cường sử dụng ngân quỹ chung trong một số lĩnh vực cụ thể, như chú trọng cách thức để có thể cải thiện khả năng triển khai, di chuyển lực lượng và phối hợp tác chiến, cũng như trong lĩnh vực giám sát tình báo và trinh sát chung.

Liên quan đến Afghanistan, chủ đề chính được bàn tới trong ngày họp thứ hai của hội nghị, ông Rasmussen cho biết đã đạt được kết quả khá tích cực giữa đại diện của 50 quốc gia tham gia Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) với Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan. Ông bày tỏ tin tưởng Afghanistan có thể đảm nhận toàn bộ trách nhiệm bảo vệ an ninh sau khi ISAF rút khỏi chiến trường Nam Á này vào năm 2014.

Cùng ngày, các quan chức Mỹ cho biết NATO có thể triển khai tới 12.000 quân tại Afghanistan để huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng của quốc gia Nam Á này sau khi sứ mệnh chiến đấu của NATO chống Taliban kết thúc.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little, NATO đang cân nhắc triển khai từ 8.000-12.000 quân, kể cả sự đóng góp của Mỹ, tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas de Maiziere tiết lộ với báo giới rằng người đồng cấp Mỹ Leon Panetta cũng đã nói như vậy trong cuộc gặp giữa hai ông tại hội nghị Brussels.

Trong khuôn khổ hội nghị, Ủy ban NATO-Ukraine cũng đã thảo luận cách thức củng cố hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ. Tổng thư ký NATO và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Pavlo Lebedev đã ký một trao đổi thư, xác nhận ý định của Ukraine đóng góp một tàu khu trục và một máy bay trực thăng cho chiến dịch "Lá chắn đại dương" của NATO nhằm chống lại lực lượng cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia.

Ukraine cũng đóng góp vào sứ mệnh do NATO dẫn đầu tại Kosovo và Afghanistan, đồng thời cam kết thực hiện sứ mệnh của NATO nhằm huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ các lực lượng của Afghanistan sau khi lực lượng ISAF kết thúc sứ mệnh tại đây./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục