Nền kinh tế Đức tăng trưởng thấp trong năm 2012

Do tác động từ cuộc khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu, kinh tế Đức đã tăng trưởng thấp nhất trong bốn năm trở lại đây.
Do tác động từ cuộc khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nền kinh tế Đức đã tăng trưởng thấp nhất trong bốn năm trở lại đây.

Theo số liệu mới nhất do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 15/1, từ mức tăng trưởng 0,5% trong quý 1, 0,3% trong quý 2 và 0,2% trong quý 3, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã giảm khoảng 0,5% trong quý 4, kéo tốc độ tăng trưởng trong cả năm xuống chỉ còn 0,7%.

Tốc độ này thấp hơn một chút so với mức dự báo 0,75% trước đó, nhưng giảm mạnh so với mức tăng trưởng 4,2% và 3,0% lần lượt trong các năm 2010 và 2011.

Các chuyên gia Destatis nhận định tr ong những năm qua, Đức đã xử lý vấn đề nợ công tốt hơn các nước láng giềng nhờ các cải cách kinh tế kiên quyết và mạnh mẽ.

Tuy nhiên, đầu tàu kinh tế châu Âu này không thể "miễn dịch" hoàn toàn với vấn nạn nợ công, do nhiều nước thành viên Eurozone đã rơi vào suy thoái, khiến tăng trưởng kinh tế của Đức phần nào chậm lại trong nửa cuối năm 2012.

Tuy nhiên, Destatis thừa nhận năm 2012 là tài khóa đầu tiên trong năm năm qua Đức đã ổn định được ngành tài chính công và đạt thăng dư ngân sách dù còn khiêm tốn, nhờ tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất đều thấp kỷ lục.

Tăng trưởng tiếp tục được thúc đẩy nhờ xuất khẩu (tăng 4,1% trong năm ngoái), chi tiêu nhà nước (tăng 1,0%) và tiêu dùng của tư nhân (tăng 0,8%).

Chủ tịch Destatis Roderich Egeler cho biết thặng dư ngân sách của Đức, bao gồm chi tiêu cho chính phủ liên bang, chính quyền các khu vực và thành phố, cũng như chi tiêu cho phúc lợi xã hội, đạt thặng dư 2,2 tỷ euro (khoảng 2,9 tỷ USD), tương đương 0,1% GDP.

Năm 2011, Đức từng ghi nhận mức thâm hụt ngân sách nhà nước 0,8%.

Các nhà kinh tế nhận định các nguyên tắc kinh tế cơ bản cứng rắn của Đức sẽ giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng trong năm nay, dù với tốc độ chậm chạp khoảng 0,6%.

Tiêu dùng của tư nhân sẽ tiếp tục ổn định và môi trường tài chính ở Đức chưa bào giờ thuận lợi như hiện nay.

Nếu những bất trắc đang đe dọa Eurozone và nền kinh tế thế giới giảm bớt thì lĩnh vực đầu tư, vốn đang bị dồn nén, ở Đức sẽ tạo "cú hích" đối với tăng trưởng của nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục