"Nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ đi ngang nhiều năm"

Nền kinh tế đang dần đi vào ổn định, tuy nhiên nếu không giải quyết những vướng mắc thì có nguy cơ đi ngang trong nhiều năm.
"Nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ đi ngang nhiều năm" ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Phát hành sau Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới một ngày (2/12), báo cáo tháng 11 về kinh tế vĩ mô với chủ đề: "Vẫn chưa đến đích” của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam phát hành ngày 3/12 lại có cái nhìn khác.

Theo HSBC, mặc dù kinh tế vĩ mô đang dần đi vào ổn định, nhưng nếu không có những tiến bộ đáng kể để giải quyết những vướng mắc đối với cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam có nhiều nguy cơ chỉ có thể dịch chuyển ngang trong nhiều năm.

Bản báo cáo của HSBC đã chỉ ra thực trạng của nền kinh tế Việt Nam với các “nút thắt cổ chai” như chất lượng giáo dục, cơ sở hạ tầng đô thị, hệ thống năng lượng vào giao thông, chuỗi phân phối, chất lượng sản xuất nông nghiệp, thị trường tài chính…

Cũng theo HSBC, chỉ số PMI tháng 11 cho thấy nền kinh tế vẫn đang hoạt động dưới mức tiềm năng. Tăng trưởng hoạt động sản xuất chỉ ở mức khá chậm 50,3 điểm do sự hạn chế từ nhu cầu nước ngoài yếu và nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm sút. 

Trong khi đó, thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay đã giảm từ mức 187 triệu USD xuống còn 95 triệu USD trong tháng 11. HSBC kỳ vọng năm 2013 sẽ khép lại với mức thặng dư thương mại nhỏ. Với dòng tiền được chuyển từ nước ngoài vào đang tăng, tài khoản vãng lai cũng sẽ trong tình trạng thặng dư hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng.

Mặt khác, lạm phát đang chậm lại từ mức 5,9% xuống còn 5,8% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, điều đó chỉ ra là nhu cầu Việt Nam cũng đang thấp.

Theo các dự báo mà bản báo cáo đưa ra, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay và 5,4% trong năm 2014. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2013 được dự báo ở mức 6,6% và tăng lên 8,3% trong năm tới.

Trên cơ sở phân tích trên, HSBC đã đưa ra khuyến nghị, trong suốt thời kỳ tăng trưởng chậm chạp này, Chính phủ nên xem xét lại các vấn đề cơ bản như chất lượng lao động, hiệu quả của các doanh nghiệp và những vướng mắc về mặt cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những khu vực đô thị để bảo đảm rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục