Nếu may mắn, sẽ "chỉ có 1/3 dân Mỹ căm ghét ông Donald Trump"

Ông Trump bước vào phòng Bầu dục với tỷ lệ phản đối ở mức 48%, trong bối cảnh thế giới phức tạp và nguy hiểm hơn so với nhiều thập kỷ qua.
Nếu may mắn, sẽ "chỉ có 1/3 dân Mỹ căm ghét ông Donald Trump" ảnh 1Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp ở thủ đô Washington. (Nguồn: AP/TTXVN)

Theo AFP, sau nhiều chiến thắng, Donald Trump và đội ngũ của ông đang bước tới Nhà Trắng trong tư thế “ngẩng cao đầu.” Tuy nhiên, thực tế mọi chuyện tại số 1600 Đại lộ Pennsylvania không hề đơn giản như vậy.

Nếu Tổng thống Mỹ đắc cử may mắn, thì sẽ chỉ có 1/3 người dân Mỹ căm ghét ông. Các sự kiện quốc tế và lợi ích nhóm sẽ là những vấn đề khiến ông hết sức đau đầu, trong khi chính trị là điều ràng buộc tất cả mọi thứ. Quốc hội sẽ giống như một sân chơi, với những đứa trẻ gào thét, tranh giành nhau trên cầu trượt, thay vì giống như một liên minh đấu tranh vì lợi ích chung.

Ông Trump bước vào phòng Bầu dục với tỷ lệ phản đối ở mức 48%, trong bối cảnh thế giới phức tạp và nguy hiểm hơn so với nhiều thập kỷ qua. Hơn thế nữa, ông sẽ đứng đầu một đảng Cộng hòa đang bị chia rẽ bởi những tranh cãi về hệ tư tưởng.

Tất cả những điều này sẽ khiến ông chủ mới của Nhà Trắng không khỏi nản lòng. Tuy nhiên, như những gì một cựu quan chức Nhà Trắng từng hồi tưởng, điều khó khăn nhất với một tân Tổng thống sẽ là làm thế nào để đưa ra một quyết định.

Mỗi ngày, Tổng thống cùng 470 nhân viên Nhà Trắng phải đưa ra hàng loạt quyết định quan trọng giúp định hình nên chính quyền của nước Mỹ. Giáo sư Fred Greenstein của Đại học Princeton, hiện đã nghỉ hưu và là tác giả cuốn “The Presidential Difference: Leadership Style from FDR to Barack Obama” (tạm dịch: “Sự khác biệt giữa các Tổng thống: Phong cách Lãnh đạo từ Franklin D.Roosevelt cho tới Barack Obama”), nhận định: “Rất khó để nói về những gì sắp tới chúng ta nên kỳ vọng ở ông Trump bởi ông ấy không có nhiều kinh nghiệm chính trị và ông ấy rõ ràng là một người hay thay đổi."

Trong suốt giai đoạn chuyển tiếp, ông Trump thường xuyên đưa ra quyết định một cách bốc đồng, khiến ngay cả các cố vấn cấp cao nhất của ông cũng phải ngạc nhiên. Ông thậm chí đã đảo ngược cả các quyết định bổ nhiệm cấp cao và đưa ra nhiều cải cách chính sách nhạy cảm, nhiều khi còn trước cả việc cân nhắc các rào cản hiến pháp. Đáng chú ý phải kể đến tuyên bố về kế hoạch cải tổ toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe cho các cựu binh.

Ông Trump, từ một giám đốc điều hành cho tới người đứng đầu đất nước, đã bổ nhiệm một nhóm người nhiều khác biệt, từ các thành viên trong gia đình, các tướng lĩnh, các tỷ phú và cả những thành viên đảng Cộng hòa kỳ cựu - mà nhiều người trong số đó chưa từng làm việc trong Nhà Trắng - vào các vị trí trong chính quyền để giúp ông điều hành đất nước. Sự đa dạng các quan điểm kiểu này có thể là một nhân tố tích cực.

Cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln nổi tiếng là người đã quy tụ “một nhóm thù địch” cùng ông lèo lái nước Mỹ qua cuộc Nội chiến. Tuy nhiên, sự khác biệt trong cách nhìn có thể dẫn tới mâu thuẫn và tạo ra những chia rẽ nghiêm trọng trong Nhà Trắng. Mâu thuẫn giữa Tổng Tham mưu trưởng Nhà Trắng John Sununu và Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Richard Darman dưới thời Tổng thống H.W. Bush (Bush cha) đã dẫn tới nhiều thông tin liên quan đến vấn đề thuế bị rò rỉ và một “cuộc chiến” đã nổ ra khiến ông chỉ đắc cử duy nhất một nhiệm kỳ.

Trong đội ngũ thân cận của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush (Bush con) có hai nhân vật từng làm việc trong chính quyền Gerald Ford là ông Dick Cheney và Donald Rumsfeld, những người biết dùng ảnh hưởng của mình một cách hiệu quả. Trước khi được bầu làm Phó Tổng thống, ông Cheney nói: “Công việc giấy tờ tại Phòng Bầu dục, quyết định ai tham gia các cuộc gặp, ai là người đưa ra lời khuyên cho tổng thống, và ai có thể nói chuyện trước khi ông ấy ra quyết định là điều cực kỳ quan trọng. Mọi chuyện cần phải diễn ra một cách trơn tru."

Tại văn phòng, ông Cheney thường là người im lặng lắng nghe khi những người khác tranh luận. “Ai là người trao đổi cuối cùng với tổng thống” trở thành một câu hỏi quan trọng, và cũng chính là yếu tố khiến Tổng thống Bush quyết định dấn thân vào cuộc chiến ở Iraq. Một cựu quan chức Nhà Trắng cho rằng rất khó để dự đoán xem ông Trump sẽ xoay xở tất cả những điều này như thế nào. Nhân vật đề nghị giấu tên này nói: “Tôi không rõ họ biết những gì."

Trong khi đó, dư luận đang đặt ra hàng loạt câu hỏi: Liệu con gái lớn của Tổng thống đắc cử là Ivanka Trump có thể tham gia các cuộc họp nội các hay các hội nghị cấp cao, tương tự những gì cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Rosalynn của Tổng thống Jimmy Carter từng làm, hay có thể có tác động tới nhiều chính sách như bà Eleanor Roosevelt và Hillary Clinton hay không?

Liệu ông Trump có giao phó các vấn đề chính sách cho những người Cộng hòa chính thống như nhân vật được bổ nhiệm làm tổng tham mưu trưởng Reince Priebus hay không? Và liệu Mike Pence có khả năng trở thành một phó tổng thống nhiều ảnh hưởng nhất kể từ sau ông Cheney? Kellyanne Conway, chồng của Ivanka, hay cố vấn có tư tưởng cực hữu Steve Bannon sẽ là người cuối cùng trao đổi với ông Trump?

Liệu các tướng lĩnh được bổ nhiệm vào những vị trí hàng đầu của Lầu Năm Góc và Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa, cùng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Joseph Dunford có thể trở thành một lực lượng hết sức quyền lực trong chính quyền mới của Mỹ hay không?

Ông Trump sẽ phải có những lựa chọn sáng suốt nếu muốn tránh bất ổn và có thể tiếp tục giữ vững tư thế ngẩng cao đầu như khi ông tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20/1./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục