"Nếu như bộ trưởng cũng đưa ra định hướng nữa thì ai là người làm"

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, thời gian qua các bộ trưởng đã trả lời rất tốt các vấn đề cử tri quan tâm, nhưng việc trả lời đó vẫn chỉ là văn bản, quan trọng phải là khâu thực hiện.
"Nếu như bộ trưởng cũng đưa ra định hướng nữa thì ai là người làm" ảnh 1Đại biểu Nguyễn Thị Khá, đoàn Trà Vinh đang trả lời báo chí (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, thời gian qua các bộ trưởng đã trả lời rất tốt các vấn đề cử tri quan tâm, kể cả gửi bằng văn bản cho các đại biểu, nhưng việc trả lời đó vẫn chỉ là văn bản, quan trọng phải là khâu thực hiện.

"Viết nghị quyết ai cũng viết được nhưng thực hiện được nghị quyết, đưa nghị quyết đó vào cuộc sống mới là vấn đề cốt lõi," đại biểu Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh.

Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, đại biểu Nguyễn Thị Khá, đoàn Trà Vinh, đã có cuộc trao đổi với báo chí về việc thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn của các bộ trường trong thời gian qua.

- Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội vẫn còn chung chung, vậy theo bà để làm tốt công tác điều hành vĩ mô thì Chính phủ và các bộ trưởng cần phải làm gì?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Theo tôi giải pháp Chính phủ đưa ra mang tầm vĩ mô còn việc thực hiện phải là trách nhiệm của bộ ngành và địa phương.

Ví dụ Thủ tướng chỉ đạo chung về một vấn đề nào đó và giải pháp đưa ra mang tính định hướng, nhưng liên quan đến lĩnh vực nào thì bộ trưởng phụ trách ngành đó mới là người thực hiện cụ thể, nếu như bộ trưởng cũng định hướng nữa thì ai là người làm?

- Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo bà cần có giải pháp gì để giải quyết được câu chuyện 'Được mùa mất giá'?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Câu chuyện "Được mùa mất giá" đã diễn ra từ rất lâu và để giải quyết bài toán này, theo tôi, các bộ như Nông nghiệp và Công Thương vào cuộc phải đồng bộ và cương quyết hơn đồng thời phải phối hợp với các địa phương trong vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch.

Có thể thấy, việc tái cơ cấu nông nghiệp phải xem vấn đề căn cơ là sản xuất cái gì và khi có sản phẩm thì đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn chất lượng ra sao? Việc đó rất cần phải có sự kết hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để có những quy định cụ thể.

Bên cạnh đó, chúng ta phải xem xét nghiêm túc mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân. Hiện mối ràng buộc này còn khá lỏng lẻo, trong lúc thực hiện vẫn có tình trạng phá vỡ hợp đồng.

Đơn cử, việc doanh nghiệp hợp đồng với người nông dân một mức giá nào đó, nhưng khi giá thực tế thấp hơn với hợp đồng thì doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng, ngược lại khi nông dân hợp đồng với doanh nghiệp nhưng khi giá ngoài thị trường cao hơn thì nông dân cũng không thực hiện theo hợp đồng, do vậy để thực hiện mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thì nên chăng cần có những hợp đồng mua-bán mang tính pháp lý cao chứ không phải hợp đồng ghi nhớ.

- Bà có đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp khi một loạt các Hiệp định thương mại được thực thi?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Thời gian gần dây, một loạt các Hiệp định thương mại tự do đã và đang được Việt Nam ký kết với các nước, Chính phủ cũng đã và đang tìm nhiều biện pháp để khi đàm phán có thể tạo thêm đầu ra cho nông sản.

Theo tôi, chúng ta không thể bảo hộ được mà tất cả đều phải dựa trên pháp luật chung, bởi lẽ các tiêu chuẩn về hàng hóa giữa các nước đều rất rõ ràng, do vậy không gì khác, các sản phẩm của chúng ta phải đảm bảo chất lượng, nếu cứ chạy theo thị hiếu, chạy theo lợi nhuận thì rất dễ bị thua ngay trên sân nhà.

Tôi phải nhấn mạnh, chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là rất đúng, nhưng để làm tốt thì hàng hóa của chúng ta cũng phải đảm bảo về giá cả, chất lượng, thực hiện luật cạnh tranh, luật chất lượng hàng hóa chứ không thể cấm doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ các nước.

Do vậy, để làm được việc trên thì phải ứng dụng khoa học công nghệ, để giảm giá thành và nâng cao chất lượng, mới là giải pháp căn cơ và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh được. Trong hội nhập, luật pháp phải đứng hàng đầu.

- Bà có cho rằng báo cáo của Bộ Công Thương về tiêu thụ nông sản đưa ra vẫn còn chung chung, thậm chí vẫn mang tính tình thế nhiều hơn?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về các vấn đề nêu trên, theo tôi giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương đã làm gì để đảm bảo khâu quy hoạch cũng như bảo đảm đầu ra cho nông sản.

Mấy năm gần đây điệp khúc hàng ứ ở cửa khẩu luôn là chủ đề nóng, vậy bây giờ giải pháp của Bộ Công Thương về xuất khẩu sẽ như thế nào? quy trình xuất khẩu ra sao để đảm bảo nhanh chóng.

Chúng ta đều biết, mặt hàng nông sản như dưa hấu nếu để 5-7 ngày sẽ không đảm bảo chất lượng, do vậy các bộ phải đảm bảo liên kết với nhau như thế nào, đồng thời phân rõ trách nhiệm trong việc đảm bảo đầu ra.

Đơn cử về thị trường phải do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm nhưng thủ tục làm đầu ra liên quan đến Bộ Tài chính, hải quan, thuế, trong khi chất lượng phải kết hợp với Bộ Khoa học Công nghệ.

Nếu như có thị trường mà chất lượng không có thì sẽ khó xuất khẩu được. Qua bài học về trái vải xuất khẩu có thể thấy, các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Australia... đòi hỏi tiêu chuẩn về chất lượng rất cao, cũng như về An toàn thực phẩm thực hiện thế nào, ngoài ra họ rất quan tâm đến quy trình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng chất lượng như, những yếu tố trên đòi hỏi sự kết hợp của nhiều bộ và phải phân định trách nhiệm một cách rõ ràng.

Tôi thấy nhiều khi chúng ta cứ nhắc tới sự phối hợp giữa các bộ nhưng trong trường hợp giá cả không được, xuất khẩu đi bị trả về thì lại không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm, do vậy cần có một cơ chế rõ ràng giữa các bộ ngành liên quan.

- Xin cảm ơn bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục