Nga bắt tay các nước phương Đông "trục xuất" đồng USD

Vị trí "bá quyền" của đồng USD đang giảm dần khi Nga đã từ bỏ việc dùng đồng tiền xanh trong thanh toán với Trung Quốc và Triều Tiên.
Nga bắt tay các nước phương Đông "trục xuất" đồng USD ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng vị trí "bá quyền" của đồng USD đang giảm dần. Nước Nga đã từ bỏ việc dùng đồng tiền xanh trong thanh toán với Trung Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Nga và Trung Quốc đã quyết định sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng rúp trong các hợp đồng giao dịch giữa hai bên. Còn trong quan hệ thương mại-đầu tư Nga-Triều, đồng nội tệ của Nga sẽ giữ vị trí thống lĩnh.

Trong chuyến công du Trung Quốc hồi cuối tháng Năm vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm và thống nhất với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình về việc cùng từ bỏ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch thương mại song phương, dùng đồng rúp và đồng nhân dân tệ để thay thế.

Văn kiện tương ứng đã được Phó Chủ tịch thứ nhất Ban quản trị ngân hàng VTB, Vasili Titov và người đứng đầu ngân hàng Bank of China (một trong bốn ngân hàng lớn của Trung Quốc), Chen Siqing ký kết.

Tiếp đó, vào đầu tháng Sáu này, tại phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật liên chính phủ giữa Nga và Triều Tiên ở Vladivostok, hai bên cũng ký hiệp định về việc chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp. Như vậy, Triều Tiên có thể tin tưởng rằng các nhà đầu tư Nga sẽ đến nước này.

Đối với nước Nga, trước nguy cơ trừng phạt của phương Tây thì việc "chia tay" đồng USD trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Trước đó, Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga cần thúc đẩy thanh toán bằng đồng tiền nội tệ với các nước phương Đông. Những thay đổi trong hệ thống thanh toán bằng đồng USD sẽ như thế nào và đồng rúp của Nga sẽ được lợi gì?

Tiến sĩ kinh tế Andrei Ostrovsky, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Viễn Đông nhận định đồng rúp sẽ có lợi, đồng USD sẽ tổn hại. Hoạt động giao thương giữa Nga với Triều Tiên không đáng kể, kim ngạch không lớn, nên khó nhận thấy sự thay đổi đối với đồng USD hay euro. Nhưng giá trị trao đổi thương mại giữa Nga và Trung Quốc lại là một con số "khủng".

Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều Nga-Trung đạt 89 tỷ USD và có triển vọng tăng lên đến 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD năm 2020. Nếu hai bên thanh toán những hợp đồng dầu khí bằng đồng rúp và nhân dân tệ thì tất nhiên đây sẽ là đòn mạnh giáng vào đồng USD.

Không đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm Nga-Trung trực thuộc Chính phủ Nga, Nikolai Kotliarov nhận xét rằng việc các nước phương Đông và Nga chuyển sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, đồng rúp hay bất kỳ đồng tiền nào của khu vực cũng không tác động mạnh đến hệ thống thành toán bằng đồng USD.

Nói chung, chuyên gia này nghi ngờ về việc thực hiện những hiệp định được ký kết trong mấy tháng gần đây. Vị chuyên gia này chia sẻ: "Tôi không rõ họ sẽ thanh toán trên thực tế bằng đồng rúp hay đồng nhân dân tệ như thế nào vì phải xem xét sự ràng buộc với đồng USD trong từng trường hợp cụ thể. Tôi không biết các nhà xuất khẩu quan tâm đến việc thanh toán như vậy ở mức độ nào.”

Ý tưởng về việc biến đồng rúp Nga thành đồng tiền khu vực hay một công cụ thanh toán trong các hiệp hội như Liên minh hải quan chẳng hạn đã được nêu ra nhiều lần. Trên thực tế, nếu liên minh bao gồm một số nước thì thế nào cũng nảy sinh mâu thuẫn. Chẳng hạn, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko kiên quyết chống sự chi phối của Nga trong Liên minh hải quan. Vì vậy, nếu nói về sự cần thiết phải tạo ra một hệ thống thanh toán cấp khu vực thì bước đi thích hợp nhất là tạo ra một đồng tiền chung mới.

Trước đây trang mạng Pravda của Nga từng đưa tin rằng đồng altyn (dựa theo tên của một đồng tiền cổ của Nga) có thể trở thành đồng tiền chung trong Liên minh hải quan. Các phương tiện thông tin đại chúng khác cũng loan báo đồng tiền mới này sẽ được lưu thông vào năm 2025.

Cụ thể, lúc đầu là phi tiền mặt, về sau mới xuất hiện tiền mặt, giống như lộ trình ra đời của đồng euro trong Liên minh châu Âu (EU). Nhưng đến thời điểm hiện nay, nhiều vấn đề về kỹ thuật vẫn còn bỏ ngỏ.

Và còn nhiều khía cạnh còn phải giải quyết. Các nhà xuất khẩu của Nga lẫn Kazakhstan và Belarus đều không có lợi vì phần lớn hoạt động thương mại của họ là với thị trường ngoài nước, họ thích buôn bán bằng một đồng tiền có thể tự do chuyển đổi. Tuy nhiên, ông Nikolai Kotliarov nhấn mạnh rằng trong tương lai cần áp dụng một đồng tiền thống nhất trong khuôn khổ Liên minh hải quan hay Hợp tác Kinh tế Á-Âu, mặc dù điều này rất khó khăn.

Cũng phải nói thêm rằng ngay từ ngày đầu tháng Sáu này đồng tiền của Mỹ đã bị loại khỏi thanh toán giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Bây giờ, tất cả các giao dịch giữa hai nước không còn phải chuyển đổi từ các đồng tiền nội tệ sang USD nữa. Việc đổi đồng yen của Nhật Bản sang nhân dân tệ và ngược lại đều được thực hiện trên thị trường tiền tệ Tokyo và Thượng Hải.

Trong một diễn biến mới đây, Cơ quan quản lý giao dịch ngoại hối Trung Quốc cho biết, Trung Quốc và Vương quốc Anh sẽ bắt đầu chuyển đổi trực tiếp đồng nội tệ của nhau, trong một động thái nhằm hướng tới quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Cơ quan Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc thông báo, đồng bảng Anh và đồng nhân dân tệ sẽ được hoán đổi trực tiếp với nhau từ ngày 19/6, không cần dùng đồng USD làm trung gian. Bộ trưởng Tài chính Anh quốc George Osborne nói: “Tôi tin rằng việc đồng nhân dân tệ trở thành một trong những tiền tệ hàng đầu thế giới sẽ là bước thay đổi lớn tiếp theo trong hệ thống tài chính toàn cầu.”

Nhiều chuyên gia đang cho rằng vị trí "thống trị" tuyệt đối của đồng USD trên thị trường thế giới đang phai nhạt dần và sắp hết thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục