Nga “đau đầu” với bài toán ngân sách dành cho World Cup 2018

Đồng ruble mất giá cộng với việc giá dầu “lao dốc” khiến nguồn ngân sách dành cho Ngày hội Bóng đá Thế giới năm 2018 tại Nga thêm eo hẹp.
Nga “đau đầu” với bài toán ngân sách dành cho World Cup 2018 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: www.bloomberg.com)

Ông Alexei Merkushkin, Bộ trưởng Các Chương trình Đặc biệt của Nga, cho biết nước này đang phải đối mặt với vấn đề liên quan tới khả năng chi phí dành cho xây dựng sân vận động, hạ tầng cơ sở và hoạt động tổ chức World Cup 2018 bị thu hẹp.

Sau một năm chịu tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây iên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng ruble của Nga đã mất hơn 1/3 giá trị so với đồng bạc xanh kể từ tháng 1/2014. Trong khi đó, giá dầu “lao dốc” cũng làm eo hẹp nguồn ngân sách liên bang và ngân sách khu vực dành cho Ngày hội Bóng đá Thế giới vào năm 2018.

Mới đây, Chính phủ Liên bang Nga đã cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách. Trong lúc hầu hết các khoản chi cho World Cup 2018 được giữ nguyên thì chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ Nga đồng nghĩa với việc sẽ không thông qua bất kỳ một khoản chi phát sinh nào khác.

Hồi tháng Một, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Sepp Blatter nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ không để khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng tới công tác tổ chức World Cup 2018.

Ông Putin đã khẳng định với ông Blatter rằng Nga sẽ không yêu cầu FIFA thay đổi khung chương trình cũng như cơ cấu tổ chức World Cup 2018, và hy vọng Nga sẽ tìm được “lời giải cho bài toán” này.

Các nhà tổ chức World Cup 2018 của Nga đang “bù đầu” tính toán vấn đề cắt giảm chi phí. Tháng Một vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thể thao Nga Vitaly Mutko cam kết cắt giảm 10% chi phí liên quan tới công tác quản lý và chuẩn bị cho các lễ nghi trong World Cup 2018.

Vào trung tuần trước, ông Mutko cũng cho biết đã quyết định loại bớt 25 khách sạn cao cấp ra khỏi danh mục xây dựng và nâng cấp phục vụ World Cup do lo ngại ngay sau Ngày hội Bóng đá, các khách sạn đó sẽ rơi vào tình trạng vắng khách. Quyết định trên đã giúp giảm ngân sách chi cho World Cup xuống còn 637,6 tỷ ruble (12,2 tỷ USD).

Một lo ngại khác khiến giới chức Nga “đau đầu” không kém là StroyTransGaz, nhà thầu chính của hai sân vận động tại thành phố Nizhny Novgorod và Volgograd, đang bị tác động bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ do liên quan đến vấn đề Ukraine.

Các công ty của Mỹ bị cấm giao dịch với StroyTransGaz và hiện chưa rõ mức độ ảnh hưởng của việc này tới công tác chuẩn bị cho World Cup 2018 nghiêm trọng ra sao. Cả Ủy ban phụ trách tổ chức World Cup cũng như StroyTransGaz đều chưa đưa ra lời bình luận nào về vấn đề kể trên.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục