Nga nối lại vận tải hàng không với Anh và nhiều nước khác

Tuyên bố của cơ quan y tế Nga ngày 31/5 nêu rõ: "Vì tình hình dịch tễ tại Anh đã được cải thiện, vận tải hàng không thông thường giữa Moskva và London sẽ được nối lại từ ngày 2/6."
Nga nối lại vận tải hàng không với Anh và nhiều nước khác ảnh 1Quảng trường Đỏ. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Nga đã thông báo nối lại vận tải hàng không với Anh và một số nước khác sau một thời gian phải tạm ngừng do các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Tuyên bố của cơ quan y tế Nga ngày 31/5 nêu rõ: "Vì tình hình dịch tễ tại Anh đã được cải thiện, vận tải hàng không thông thường giữa Moskva và London sẽ được nối lại từ ngày 2/6."

Tuyên bố trên cũng cho biết thêm rằng việc đi lại bằng đường hàng không với Áo, Hungary, Liban, Luxembourg, Croatia, Mauritius và Maroc sẽ được nối lại từ ngày 10/6 tới. Tuy nhiên, các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, một điểm đến du lịch chính của người Nga, sẽ vẫn phải tạm ngừng ít nhất đến ngày 21/6.

Kể từ khi dịch bùng phát, biên giới của Nga vẫn đóng cửa với phần lớn các nước.

Trong một diễn biến khác, từ ngày 1/6, sân bay Heathrow ở thủ đô London của Anh đã mở cửa trở lại đối với hành khách đến từ các nước có nguy cơ cao.

Trước đó, Anh đã cấm nhập cảnh đối với người đến từ 43 "điểm nóng" COVID-19 trong "danh sách đỏ," trong đó có Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi, do lo ngại họ có thể đem theo các biến thể của virus vào Anh.

[Nga nêu lý do hủy một số chuyến bay của các nước EU]

Công dân và cư dân Anh trở về từ các nước trên đều phải cách ly có giám sát trong 10 ngày tại một khách sạn được chính phủ chỉ định.

Theo quy định mới, bắt đầu từ ngày 1/6, tất cả người nhập cảnh trong diện "danh sách đỏ" nói trên sẽ đi qua cổng riêng, vốn được đóng từ tháng 4/2020 do quá vắng khách quốc tế. 

Heathrow cho biết quyết định trên vì các tuyến đường trong "danh sách đỏ" sẽ có thể là một điểm nhấn trong vận tải hàng không của Anh trong tương lai gần.

Anh đã ghi nhận gần 128.000 ca tử vong vì COVID-19, cao nhất châu Âu. Nước này đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng từ tháng 12/2020, giúp số ca nhiễm và tử vong mới giảm mạnh.

Nhưng các ca nhiễm đã tăng trở lại khi xuất hiện biến thể lây lan nhanh mang tên Delta, được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, lây lan sang Anh và ảnh hưởng đến các kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội của chính phủ.

Hiện các biện pháp hạn chế liên quan đến phòng dịch vẫn đang có hiệu lực đến ngày 21/6. Theo kế hoạch, ngày 14/6 tới, chính phủ sẽ thông báo quyết định của mình về việc này.

Tại Đức, cơ quan phòng và kiểm soát dịch liên bang đã giảm mức nguy cơ dịch COVID-19 từ "rất cao" xuống "cao". Phát biểu tại họp báo ngày 1/6, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết: "Tình hình đã được cải thiện rõ ràng, nhưng chúng ta vẫn đang ở giữa đại dịch."

Trước đó, mức nguy cơ "rất cao" đã được ban bố từ tháng 12/2020. Theo Viện Robert Koch (RKI), hiện số ca nhiễm trong ngày đã giảm so với tuần trước, cụ thể có 1.785 ca nhiễm mới trong ngày 1/6.

Vào thời điểm đỉnh dịch của làn sóng thứ ba, hơn 30.000 ca nhiễm được ghi nhận trong một ngày. Giám đốc RKI Lothar Wieler cho biết tại Đức hiện nay hàng triệu người vẫn chưa tiêm phòng, "vì vậy họ chưa được bảo vệ trước dịch."

Theo ông, tỷ lệ người tiêm phòng ít nhất phải là 80% dân số thì các biện pháp phòng dịch mới có thể nới lỏng đáng kể. Hiện con số này mới chỉ là 18%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục