Nga sẵn sàng xây dựng trung tâm nghiên cứu hạt nhân ở Indonesia

Rosatum đề nghị phát triển các nhà máy điện hạt nhân theo hình thức "chìa khóa trao tay" ở Indonesia, đồng thời đề xuất địa điểm xây các nhà máy điện hạt nhân ở những nơi không có nguy cơ động đất.
Nga sẵn sàng xây dựng trung tâm nghiên cứu hạt nhân ở Indonesia ảnh 1Lò phản ứng mới nhất và tiên tiến nhất tại nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Phóng viên TTXVN tại Indonesia dẫn tin của hãng Antara ngày 11/5 cho biết Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom đã sẵn sàng xây dựng một trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân trong Khu công nghiệp Buluminung ở quận Penajam Paser Utara, Đông Kalimantan, Indonesia.

Hai bên đã thảo luận chi tiết về kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu hạt nhân được gọi là Công nghệ Khoa học Hạt nhân Buluminung (BNI-STP).

Dự án đã được lên kế hoạch bởi chính quyền tỉnh Đông Kalimantan và Cơ quan Năng lượng hạt nhân Quốc gia (Batan).

Một cuộc khảo sát đã được tiến hành để chuẩn bị một báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án. Chính quyền quận Penajam Paser Utara sẽ cung cấp một lô đất ít nhất 20ha cho dự án này.

[Chuyên gia Nga sẽ giúp Iran xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân]

Trước đó, Bộ trưởng phụ trách điều phối các vấn đề hàng hải Indonesia, Luhut Pandjaitan cho biết Rosatum đã đề nghị phát triển các nhà máy điện hạt nhân theo hình thức "chìa khóa trao tay" ở Indonesia, đồng thời đề xuất địa điểm để phát triển các nhà máy điện hạt nhân ở những khu vực không có nguy cơ động đất, như Bangka ở Sumatra và Đông Kalimantan.

Rosatom có thể chế tạo các nhà máy điện có công suất hơn 1.000 megawatt.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Pandjaitan, nếu Indonesia đồng ý với đề xuất của Rosatom, quá trình này sẽ mất 10 năm và hiện Indonesia vẫn chưa quyết định về bất cứ điều gì.

Công ty điện nhà nước Indonesia PLN cho rằng năng lượng hạt nhân sẽ là phương án cuối cùng cho việc sản xuất điện, nhưng phát triển năng lượng hạt nhân phải được xem xét khi nguồn năng lượng tái tạo từ nước, gió, địa nhiệt, năng lượng mặt trời và sinh khối không đạt được mục tiêu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục