Nga thất vọng về việc Mỹ hủy hội nghị thượng đỉnh

Điện Kremlin tỏ ý thất vọng trước việc Tổng thống Mỹ  Obama hủy hội nghị thượng định dự kiến diễn ra vào tháng Chín tới với Tổng thống Nga Putin.
Nga thất vọng trước quyết định Tổng thống Mỹ Barack Obama hủy cuộc gặp thượng đỉnh theo kế hoạch vào ngày 3-4/9 tới với Tổng thống Nga Vladimir Putin, song tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ trong các chương trình nghị sự song phương và đa phương.

Phát biểu với báo giới ngày 7/8, Trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Yuri Ushakov nói rằng quyết định hủy bỏ cuộc gặp cho thấy Washington không sẵn sàng cho một quan hệ song phương cân bằng. Tuy nhiên, bất chấp quyết định này của phía Mỹ, ông Yuri Ushakov cho biết lời mời Tổng thống Obama thăm Nga vẫn có hiệu lực.

Trợ lý Tổng thống Nga cũng cho biết thêm, nguyên nhân khiến ông Obama hủy chuyến thăm là do tình huống xung quanh cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden.

Nga đã từ chối dẫn độ nhân vật này theo yêu cầu của Mỹ, tuy nhiên, theo ông Ushakov, tình huống trên không phải do phía Nga tạo ra.

Ông Ushakov nhắc lại cho tới nay Mỹ vẫn trì hoãn ký hiệp định về dẫn độ với Nga, và chính Washington thường viện lý do này mỗi khi từ chối yêu cầu dẫn độ của Mátxcơva.

Mặc dù quyết định hủy cuộc gặp với Tổng thống Putin, nhưng Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Obama vẫn giữ ý định tham dự Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại St. Petersburg của Nga trong hai ngày 5-6/9 tới.

Thông cáo báo chí của người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Tổng thống Obama quyết định hủy cuộc gặp với Tổng thống Putin vì sau khi nghiên cứu kỹ tình hình quan hệ song phương từ tháng Bảy, Mỹ kết luận những tiến bộ gần đây trong chương trình nghị sự với Nga "không đủ" để tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga trong tháng Chín.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết Mỹ vẫn sẽ hợp tác với Nga trong những vấn đề có thể tìm được những điểm chung, nhưng cả Tổng thống và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đều thấy cuộc gặp thượng đỉnh là "không thích hợp" trong bối cảnh hiện nay. Do không có cuộc gặp với Tổng thống Nga, Tổng thống Obama sẽ dừng chân tại Thụy Điển trong ngày 4/9, thay vì tới Mátxcơva.

Trong lúc này, truyền thông Mỹ gắn hành động mang tính "trả đũa ngoại giao" trên không chỉ với quyết định của Mátxcơva cho phép cựu nhân viên CIA Edward Snowden tạm trú tại Nga một năm, mà còn liên quan đến những bất đồng khác trong quan hệ Mỹ-Nga, trong đó có kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu và vấn đề Syria.

Bên cạnh đó, giới phân tích cho biết quyết định này khá bất ngờ vì cách đây hai ngày, ngày 5/8, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney xác nhận quan hệ giữa Mỹ và Nga trong hơn bốn năm qua đang phát triển theo hướng rất thực tế, được thể hiện ở chỗ Washington mong muốn hợp tác với Mátxcơva trong mọi lĩnh vực tiềm năng, đồng thời tìm cách làm rõ các vấn đề mà hai bên đang bất đồng.

Mặc dù hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh, nhưng Nhà Trắng xác nhận cuộc đàm phán 2+2 cấp bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng tại Washington vẫn diễn ra theo kế hoạch trong ngày 9/8.

Tình huống hủy bỏ các chuyến thăm cấp cao không phải chưa từng xảy ra trong quan hệ Nga-Mỹ. Tháng 5/2012, Tổng thống Vladimir Putin, ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, đã cử Thủ tướng Dmitry Medvedev thay mình tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8) tại Mỹ vì còn bận thành lập chính phủ.

Tổng thống Barack Obama cũng từng hủy bỏ chuyến công cán tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Vladivostok, Nga hồi tháng 9 năm ngoái trong bối cảnh chiến dịch tranh cử ở Mỹ đang quyết liệt.

Nhưng có lẽ tương đồng nhất với quyết định ngày 7/8 của ông Obama là tình huống kịch tính diễn ra tháng 3/1999, khi Thủ tướng Nga lúc đó là ông Yevgeny Primakov đã hạ lệnh cho chuyên cơ quay đầu ngay trên không trung, hủy bỏ chuyến thăm Mỹ để phản đối quyết định của NATO mở chiến dịch không kích Nam Tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục