Nga và Mỹ xem xét sự cố rò rỉ ammonia trên ISS

Nga hết sức lo ngại vụ rò rỉ khí ammonia bên ngoài trạm ISS và dự kiến ngày 10/5 sẽ làm việc với các chuyên gia Mỹ về vấn đề này.
Nga hết sức lo ngại về vụ rò rỉ khí ammonia bên ngoài Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) và dự kiến trong ngày 10/5 sẽ làm việc với các chuyên gia Mỹ về vấn đề này.

Hãng tin Nga Interfax dẫn phát biểu ngày 10/5 của ông Vladimir Solovyov, Giám đốc phụ trách các chuyến bay của Nga lên ISS, cho biết sự cố xảy ra một ngày trước đó đã gây ra hậu quả lớn và các nhà du hành vũ trụ có thể sẽ phải ra ngoài không gian để khắc phục lỗi rò rỉ này.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quyết định chính thức về vấn đề này.

Phát biểu của quan chức Nga được đưa ra sau khi Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo về sự cố trên ISS, song khẳng định đây chỉ là một tai nạn nhỏ, trạm không gian này vẫn hoạt động bình thường và các phi hành gia đều an toàn.

Khí ammonia hiện được sử dụng để làm mát thiết bị cung cấp điện năng cho ISS. Theo NASA, việc sửa chữa lỗi rò rỉ này có thể đòi hỏi phải tạm thời cho ngưng hoạt động một phần của hệ thống làm mát trong khoảng 48 giờ đồng hồ.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ vụ rò rỉ khí lần này có liên qua đến vụ rò rỉ khí ammonia cuối năm ngoái hay không.

Được triển khai từ năm 1998, ISS là dự án vũ trụ quốc tế lớn nhất từ trước tới nay với tổng chi phí 100 tỷ USD và sự tham gia của 16 nước, trong đó có Mỹ, Nga, Nhật Bản....

Ban đầu các nhà khoa học dự tính thời gian hoạt động của ISS trên quỹ đạo là 15 năm. Song, các nước tham gia dự án lên kế hoạch kéo dài "tuổi thọ" ISS đến năm 2020 và biến nó thành "cảng vũ trụ" để chuẩn bị cho các chuyến nghiên cứu - thám hiểm không gian.

Các nhóm phi hành gia quốc tế, gồm 6 người, luân phiên nhau làm việc tại trạm vũ trụ này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục