Nga yêu cầu Romania giải thích việc chặn chuyến bay chở Phó Thủ tướng

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng hành động này được xem như "khiêu khích có chủ ý" và sẽ gây tổn hại nghiêm trong tới quan hệ giữa hai nước.
Nga yêu cầu Romania giải thích việc chặn chuyến bay chở Phó Thủ tướng ảnh 1Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ quyết định của Romania khi ngăn không cho máy bay chở Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đi qua không phận nước này để tới Moldova.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 28/7, Bộ Ngoại giao Nga cho biết giới chức Romania đã từ chối một máy bay dân dụng, trong lộ trình từ Moskva tới thủ đô Chisinau của Moldova, sử dụng không phận của mình, đồng thời viện dẫn lý do rằng máy bay chở một nhân vật trong danh sách cấm nhập cảnh của Liên minh châu Âu (EU).

[Romania chặn chuyến bay chở Phó Thủ tướng Nga tới Moldova]

Trong chuyến bay, Phó Thủ tướng Rogozin cùng khoảng hơn 160 hành khách đang trên đường đến Moldova để hội đàm với Tổng thống Igor Dodon.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ hành động này được xem như "khiêu khích có chủ ý" và sẽ gây tổn hại nghiêm trong tới quan hệ giữa hai nước.

Bộ trên đã yêu cầu chính quyền Romania tiến hành điều tra một cách chi tiết và đưa ra lời giải thích.

Trước đó, Phó Thủ tướng Rogozin cũng đã xác nhận thông tin với các hãng truyền thông Nga rằng ông và một số quan chức Chính phủ Nga đang trên đường tới thủ đô Chisinau của Moldova trên chuyến bay thương mại, song "Romania hoặc Hungary đã ngăn không cho máy bay qua không phận."

Máy bay đã buộc phải bay lòng vòng và hạ cánh xuống sân bay thủ đô Minsk của Belarus do sắp hết nhiên liệu.

Trên trang mạng Twitter, Phó Thủ tướng Rogozin cho rằng giới chức Romania, nước thành viên Tổ chức Hợp tác Bắc Đại Tây Dương (NATO), đang "đặt tính mạng của hành khách, gồm cả phụ nữ và trẻ em, trước nguy hiểm" do hành động buộc phải chuyển hướng bay, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động đáp trả.

Phó Thủ tướng Rogozin là một trong số quan chức cấp cao nhất của Nga bị cấm nhập cảnh EU, một trong những biện pháp trừng phạt của EU để đáp trả việc Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea hồi năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục