Ngăn chặn nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu

Hiện nay vẫn tồn tại tình trạng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi rác” công nghệ.
Ngăn chặn nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu ảnh 1Kiểm tra, bắt giữ một kho điện tử cũ nhập lậu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Hiện nay vẫn tồn tại tình trạng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi rác” công nghệ. Do đó tìm giải pháp để ngăn chặn tình trạng này là vấn đề đặt ra đối với quản lý khoa học công nghệ.

“Thả nổi” trong thời gian dài

Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết trước khi Thông tư 23 có hiệu lực từ 1/7/2016, không có bất kỳ văn bản pháp luật nào của Nhà nước quy định về tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nước ngoài.

Năm 2003, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường có ban hành một Thông tư quy định những yêu cầu kỹ thuật chung đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Song khi Thông tư này thực hiện được khoảng ba năm, các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý, Bộ, ngành, địa phương có kiến nghị rằng sự tồn tại của Thông tư này là không cần thiết nên sau đó bãi bỏ. Điều này dẫn tới tình trạng không có bất kỳ quy định nào hạn chế việc nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nước ngoài.

Sau này, tại các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đều đặt câu hỏi chất vấn Bộ Khoa học và Công nghệ về thực trạng các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, công nghệ đã lỗi thời về Việt Nam và Bộ đã có ý kiến là hiện không hề có quy định nào quản lý vấn đề này.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Thương mại sửa đổi, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo một văn bản quản lý hoạt động nhập khẩu thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ban hành ngày 30/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, hạn chế được doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, có nguy cơ gây mất an toàn, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.

[Ngăn chặn công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam]

Theo Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam, Thông tư 23 hiện vẫn vấp phải sự phản ứng từ một bộ phận doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp, Hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất nới lỏng những quy định trong Thông tư 23 do ở Nhật Bản đang tồn tại làn sóng đầu tư sang Việt Nam, còn gọi là Làn sóng thứ ba.

Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch di chuyển nguyên trạng một nhà máy từ Nhật Bản về Việt Nam. Tuy vậy, vấn đề là liệu khi tháo dỡ, vận chuyển rồi lắp đặt tại Việt Nam nhà máy còn hoạt động tốt hay không. Nếu nhà máy hoạt động tốt sẽ đạt được một số lợi ích trước mắt, nhưng tính toán tới tương lai lâu dài, nếu đó là những công nghệ đi kèm máy móc, thiết bị lạc hậu, không bảo đảm an toàn, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường thì sẽ ảnh hưởng đến thế hệ mai sau.

Đảm bảo an toàn và tiêu hao nhiên liệu

Việt Nam đang trong tình trạng thiếu hụt năng lượng. Nếu nhập khẩu những công nghệ không tiên tiến, mức tiêu hao nhiên liệu sẽ rất lớn mà không bảo đảm yếu tố môi trường. Bởi vậy, cần có những quy định về đảm bảo an toàn và tiêu hao nhiên liệu.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam cho rằng cần hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng mới đảm bảo được yêu cầu phát triển. Còn ở tầm chiến lược, đối với những chương trình phát triển khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ quốc gia, cần định hướng để các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực có tầm nhìn xa hơn.

Đặc điểm của chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam thường là 100% vốn nước ngoài. Công ty tiếp nhận công nghệ là công ty con do công ty đầu tư nước ngoài chiếm 100% vốn, những bộ phận quan trọng đều do người nước ngoài đảm nhận.

Sau một vài năm, khi công nghệ dần lạc hậu, họ sẽ cho phép người Việt Nam tiếp cận. Chuyển giao công nghệ, về nguyên tắc là cấp quyền sử dụng công nghệ. Trên 90% trường hợp chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sử dụng công nghệ chứ không chuyển giao quyền sở hữu công nghệ. Việt Nam mong muốn từ chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư nước ngoài là hiệu ứng lan tỏa, sự học hỏi chứ không phải công nghệ trực tiếp.

Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua cuối tháng Sáu vừa qua đã bổ sung thêm hai đối tượng vào công tác thẩm định công nghệ. Một dự án đầu tư chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng.

Thẩm quyền thẩm định công nghệ của các Bộ, ngành, địa phương đối với dự án đầu tư đã được nêu rõ. Với dự án đầu tư có vốn đầu tư công, thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Với dự án đầu tư sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế, Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ thẩm định công nghệ với các dự án thuộc chủ trương đầu tư của Quốc hội.


[Kiên quyết ngăn chặn không để công nghệ lạc hậu tràn về Việt Nam]

Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thẩm định dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Về phía các địa phương, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để có ý kiến về công nghệ với các dự án thuộc thẩm quyền, chủ trương đầu tư của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Trung tâm Chuyển giao Công nghệ châu Á-Thái Bình Dương khuyến nghị nên thực hiện theo nguyên tắc “Làm một số, mua một số.” Điều này có nghĩa những công nghệ nào cần thiết với quốc gia thì phải đầu tư nhân lực tự nghiên cứu, phát triển. Còn những công nghệ có thể tranh thủ các nước đi trước có công nghệ thì cần tìm hiểu đàm phán để tiếp nhận chuyển giao các công nghệ này. Không thể hoặc chỉ hoàn toàn tự nghiên cứu, phát triển công nghệ, cũng như không thể dựa hoàn toàn vào công nghệ nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục