Ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo: Nguồn cơn của những bất ổn

Tuyên truyền xuyên tạc, lừa mị, đó là cách thức các tổ chức đội lốt tôn giáo mới xâm nhập vào nhiều địa phương trên cả nước để hoạt động chính trị thời gian gần đây.
Ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo: Nguồn cơn của những bất ổn ảnh 1Cán bộ, chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn bộ binh (Trung đoàn 741, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên) phát quang đường liên bản, khơi thông cống rãnh thoát nước, tạo diện tạo đường giao thông nông thôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Chính sách đó đã tạo không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam sôi động, tiến bộ và được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các tôn giáo hoạt động đúng hiến chương, đúng điều lệ và quy định của pháp luật, gần đây xuất hiện một số tổ chức đội lốt tôn giáo mới xâm nhập vào Việt Nam để hoạt động chính trị.

Triệt để lợi dụng sự lạc hậu của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới, các tổ chức này kích động họ vi phạm pháp luật, xung đột với các tôn giáo truyền thống. Âm mưu sâu xa là chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp lực lượng để đối lập với Đảng, Nhà nước, khuấy động tư tưởng “ly khai, tự trị,” phá hoại sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Tuyên truyền xuyên tạc, ma mị, đó là cách thức các tổ chức đội lốt tôn giáo mới xâm nhập vào nhiều địa phương trên cả nước để hoạt động chính trị thời gian gần đây. Đi liền với sự lừa bịp, các tổ chức tà đạo này khuấy động tư tưởng dân tộc hẹp hòi để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng nhen nhóm, thổi bùng cái gọi là "quyền tự trị" của các dân tộc, đòi thành lập "Vương quốc riêng" của người Mông ở Tây Bắc, người Chăm ở Tây Nguyên và của người Khmer Krom ở Tây Nam bộ.

Tỉnh giấc u mê

Vàng A Sình, 33 tuổi, đan hay bàn tay đứng đăm chiêu trước hiên ngôi nhà mái đỏ, tường vàng ở xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Chỗ ở mới trên nền đất cũ này của Sình có gắn tấm biển đỏ in dòng chữ “Nhà Tình nghĩa-Chương trình xã hội hóa do Bộ Công an và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động” đã giúp gia đình anh chống chịu tốt thời tiết khắc nghiệt miền biên viễn. Nhà mới không còn bị gió lùa nên từ gần nửa năm nay, vợ chồng Sình cùng 3 đứa con ngủ tròn giấc hơn.

Nhìn trời mưa tầm tã, đường nhão nhoét bùn đất, người đàn ông dân tộc Mông có khuôn mặt chất phác nói anh không muốn nhớ lại những ngày tháng mệt mỏi đi theo sự xúi giục, lừa mị của kẻ xấu.

10 năm trước, Vàng A Sình lẫn trong hàng ngàn người dân tộc Mông từ khắp nơi kéo về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè để tụ tập “Xưng vua - lập Vương quốc Mông.” “Bọn cầm đầu cho dựng hàng rào, cử người canh gác, không cho người lạ vào. Chúng nói là cứ lên đây, đúng giờ sẽ có thế lực siêu nhiên xuất hiện, dùng đám mây đưa tất cả người Mông đến nơi ấm no, hạnh phúc, không còn đói nghèo,” Vàng A Sình kể.

[Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng: Ngăn chặn các hiện tượng tà đạo]

Nhưng rồi, Sình cũng như hàng ngàn người Mông tụ tập ở Huổi Khon không thấy ông vua nào. Chỉ thấy chung quanh anh ta là người già, trẻ nhỏ đau ốm, cảnh tụ tập sống hoang dã trong rừng và nguy cơ chết vì đói, rét, bệnh tật. Gia đình Sình đòi về nhưng “bọn cầm đầu nó không cho đi.” Họ chỉ được giải thoát khi các cơ quan chức năng xuất hiện.

Sáu năm sau ngày mê muội tin vào “Vương quốc Mông,” năm 2017, Vàng A Sình và khoảng 20 hộ trong bản Huổi Khon lại bị những đối tượng xấu từ bên ngoài tìm đến. Chúng lôi kéo họ tham gia tà đạo “Bà Cô Dợ.” Chúng “rót vào tai” những người Mông rằng chỉ cần đọc kinh cầu nguyện sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, thế giới sẽ công bằng hơn, không làm gì cũng có ăn. Ai không có tiền để làm nhà hay mua trâu bò sẽ được “Bà Cô Dợ” giúp đỡ.

“Tôi hai lần nhận được tiền từ một đối tượng với số tiền 7 triệu đồng. Họ bảo phải rủ thêm người khác cùng tham gia. Khi nhận tiền hoặc rủ thêm được người phải quay phim gửi cho một số người ở nước ngoài. Nhận rồi, phải làm theo thôi! Sau mới biết việc làm này là xấu. Cuối năm 2018, tôi và nhiều người khác trở về với đạo cũ của mình là Tin Lành liên hữu Cơ đốc,” Vàng A Sình kể.

Vạch mặt tà đạo

Chuyện Vàng A Sình và hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số tại Điện Biên bị tà đạo “Bà Cô Dợ” lôi kéo cũng tương tự chuyện hơn 1.200 người Mông bị một tà đạo khác là “Giê Sùa” dụ dỗ, lừa mị.

Nhiều người trong số này sau khi thoát khỏi sự mê muội, hoang tưởng đều kể rằng họ bị “Bà Cô Dợ” và “Giê Sùa” xúi bẩy “chỉ cần đọc kinh cầu nguyện sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, thế giới sẽ công bằng hơn, mình không làm gì cũng có ăn,” trong khi bản thân đều là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Họ được dặn không nhận sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, từ chối chính quyền hỗ trợ làm nhà cho người nghèo. Hai tà đạo này kích động họ gây mâu thuẫn trong chính gia đình, dòng họ, đả kích các tôn giáo khác và gieo rắc tư tưởng thành lập "Nhà nước Mông” ở miền biên tái.

Nhiều bà con ở huyện Mường Nhé cho hay, một số phần tử tà đạo Giê Sùa đã công khai tuyên bố: Ở Mường Nhé, hoạt động Nhà nước Mông không thành, người Mông ở Tuần Giáo sẽ làm. Mọi người phải tin theo Giê Sùa để lập Nhà nước Mông. Ai làm lộ thông tin sẽ giết người đó...

Trước hoạt động tôn giáo mang mầu sắc chính trị rõ nét và diễn biến phức tạp, đi tìm hiểu nguồn cội, bản chất của “Bà Cô Dợ” và “Giê Sùa,” thấy rõ chân tướng hai tổ chức nước ngoài đột lốt tôn giáo mới này. Năm 2015, chúng đồng loạt xâm nhập vào địa phương có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh phía Tây Bắc của Việt Nam với biên giới dài hơn 455km, tiếp giáp hai quốc gia Lào, Trung Quốc.

Ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo: Nguồn cơn của những bất ổn ảnh 2Một buổi phổ biến kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho người dân làng Kret Krot, xã Hra, huyện Mang Yang. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Với tà đạo “Giê Sùa,” đối tượng cầm đầu là Hờ Chá Sùng, khoảng 50 tuổi, người Mông gốc Lào, hiện đang sinh sống Mỹ. Tà đạo này không thừa nhận tên chúa là Giê Su mà gọi là "Giê Sùa;" không thừa nhận Adam và Eva trong Kinh thánh mà thay thế bằng nhân vật chàng Ong và cô Ía theo truyền thuyết của người Mông; không tổ chức lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh hằng năm; đả kích và không thừa nhận các tôn giáo khác, coi "Giê Sùa" là tôn giáo chính thống và dành riêng cho người Mông.

Tà đạo "Bà Cô Dợ" do Vừ Thị Dợ là đối tượng đang sống ở nước ngoài cầm đầu. Dợ trước đây theo đạo Tin lành nhưng do thường xuyên vi phạm giáo luật nên bị trục xuất khỏi tổ chức. Từ năm 2018 đến nay, Dợ tuyên truyền con trai của mình là Chúa Giê Su tái lâm và đủ 18 tuổi sẽ làm vua của người Mông. Dợ lừa mị những người tham gia tà đạo này rằng, Dợ chính là “Chúa Thánh thần,” dân tộc Mông chính là người Do Thái; Dợ sẽ lãnh đạo dân tộc Mông 1.000 năm; “Bà Cô Dợ” là tôn giáo riêng dành cho người Mông.

Xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam

Từ hai tà đạo “Bà Cô Dợ” và “Giê Sùa,” thu thập thông tin và nhận diện khoảng 100 tà đạo đang hoạt động tại ba khu vực có tính chiến lược, trọng yếu nhất về quốc phòng, an ninh của đất nước là Tây Bắc-Tây Nguyên-Tây Nam bộ, thấy nhiều yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; xâm hại đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đồng thời, có biểu hiện của những âm mưu, thủ đoạn chính trị phản động, những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam.

Lợi dụng chiêu bài tôn giáo, dân tộc và nhân quyền, các tổ chức tà đạo này tập hợp lực lượng để đối lập với Đảng, Nhà nước, khuấy động tư tưởng “ly khai, tự trị”, phá hoại sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Chúng nhen nhóm, thổi bùng cái gọi là "quyền tự trị" của các dân tộc, đòi thành lập "Vương quốc riêng" của người Mông ở Tây Bắc, người Chăm ở Tây Nguyên và của người Khmer Krom ở Tây Nam bộ và tạo cớ để bên ngoài can thiệp. Tất cả những hành động, âm mưu đó hướng tới mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ chế độ Xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Điển hình như tà đạo “Hà Mòn,” “Hội thánh Tin lành Đấng Christ Việt Nam” ở khu vực Tây Nguyên. Năm 2017, các đối tượng Fulro lưu vong dựng lên tổ chức "Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam" nhằm làm vỏ bọc che dấu mưu đồ chống phá Việt Nam.

Tháng 9 năm 2020, lực lượng chức năng đã đấu tranh làm tan rã, xóa bỏ tổ chức phản động này. Sau đó, Aga - một đối tượng Fulro lưu vong ở Mỹ hiện đang bị Công an tỉnh Gia Lai truy nã về tội tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài đã chỉ đạo một số đối tượng phục hồi lại tổ chức phản động này với tên gọi khác là “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên.” Mục đích của chúng là tiếp tục lôi kéo người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, lồng ghép tư tưởng hẹp hòi, ly khai tự trị để tập hợp lực lượng, tiến tới gây rối, biểu tình, bạo loạn, thành lập Nhà nước riêng.

Theo Thượng tá Trương Hồng Quý, Trưởng Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Đắk Lắk, từ bên ngoài, tổ chức này chỉ đạo các đối tượng bên trong thu thập thông tin về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, tham gia các chương trình tập huấn nhân quyền, hội họp trực tuyến, rồi phát tán ra bên ngoài nhằm bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo với cộng đồng quốc tế để hạ thấp uy tín và vị thế của Việt Nam. Đây là âm mưu rất thâm độc.

Cơ quan Công an đã thu giữ, in sao nhiều tài liệu phản ánh hoạt động của tổ chức này kể cả việc thể hiện tài trợ tiền bạc của các đối tượng ở nước ngoài vào bên trong, để bên trong có thể lôi kéo, phát triển ở nội địa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục