Ngăn chặn triệt để các hành vi chèn ép khách du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý các địa phương cần phát hiện và xử lý các hành vi lừa đảo, chặt chém, đeo bám khách du lịch…
Ngày 13/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức có văn bản gửi tới Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo môi trường, văn minh du lịch, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý các địa phương cần triển khai đồng bộ, phối hợp liên ngành để kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để các hành vi cướp giật tài sản, lừa đảo, gian lận, tăng giá, chặt chém, đeo bám, ép khách du lịch…

Đồng thời, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết và phản hồi thông tin kịp thời đến khách du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân nhằm xây dựng phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, giữ gìn, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, phấn đấu, đến hết năm 2013, các địa phương, 100% các khu, điểm du lịch hoàn thành việc xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với điều kiện tình hình của địa phương.

Đồng thời, tập trung thực hiện nội dung “Nâng cao vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo môi trường, văn minh lịch sự, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch” đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2472/QĐ-TTg ngày 30/12/2011.

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin về tình trạng chèo kéo, bắt chẹt, tăng giá dịch vụ, lừa đảo du khách ở một số địa phương.

Trả lời phỏng vấn báo chí, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận rằng đây là vấn đề bức xúc từ nhiều năm nay của ngành du lịch Việt Nam; và ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Hà Nội, Sa Pa, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh; làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người, du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Ngành du lịch đang đề xuất các biện pháp xử lý theo hướng vừa răn đe, tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng, các cấp, các ngành để nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động du lịch; đồng thời ban hành những văn bản pháp luật, trong đó nâng cao các hình thức chế tài, xử lý các hành vi vi phạm.

Tổng cục Du lịch cũng sẽ đề xuất Chính phủ ban hành Chỉ thị làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong việc xử lý các hành vi vi phạm này./.

Thanh Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục