Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc MHB sáp nhập vào BIDV

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập MHB vào BIDV theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV.
Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc MHB sáp nhập vào BIDV ảnh 1Giao dịch tại BIDV. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 2833/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận nguyên tắc việc Ngân hàng thương mại Cổ phần Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập MHB vào BIDV theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV tại tờ trình ngày 20/4/2015.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, BIDV và MHB có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/2/2010 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận việc sáp nhập.

Tại Đại hội cổ đông của BIDV diễn ra tuần trước, lãnh đạo BIDV cho biết MHB sẽ sáp nhập vào BIDV với tỷ lệ hoán đổi 1:1, qua đó ngân hàng sau sáp nhập sẽ có quy mô vốn 31.511 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2014, vốn của BIDV là 28.112 tỷ đồng và MHB là gần 3.400 tỷ đồng). Tổng tài sản sau sáp nhập là 695.000 tỷ đồng, trong đó phần của MHB khoảng 45.000 tỷ đồng.

BIDV hiện có thế mạnh ở các thành phố lớn và khu công nghiệp. Còn MHB có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tại thời điểm 31/12/2014, tổng dư nợ BIDV đạt 445.693 tỷ đồng, trong đó tới 58% thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy; còn nông, lâm nghiệp và thủy sản mới chiếm 5,4%.

Ngược lại, cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của MHB chiếm gần 70% tổng dư nợ 30.605 tỷ đồng. Ngoài ra, MHB là ngân hàng chuyên về bán lẻ, điều này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho BIDV, vốn chuyên cho vay những món lớn.

Với việc sáp nhập này, Ngân hàng BIDV sau sáp nhập sẽ có lợi thế về quy mô, nâng cao năng lực tài chính, tận dụng và phát triển được nền khách hàng của 2 ngân hàng, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đồng thời tiếp tục hoàn thiện mạng lưới, sản phẩm để đẩy mạnh phát triển dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo đúng định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục