Ngành chăn nuôi bò trước "cú sốc" hội nhập để thúc đẩy tái cơ cấu

Để bước vào Hội nhập, ngành chăn nuôi bò và bò sữa Việt Nam cần tập trung tháo gỡ rào cản trong sản xuất, xác định khâu lợi thế để đầu tư, tránh tình trạng chăn nuôi theo phong trào, không hiệu quả.
Ngành chăn nuôi bò trước "cú sốc" hội nhập để thúc đẩy tái cơ cấu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo nhận định của các chuyên gia, trong quá trình hội nhập, ngành chăn nuôi như nuôi bò thịt, bò sữa của Việt Nam sẽ đón nhận những cơ hội để phát triển như tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu để vươn ra thị trường thế giới, tiếp cận công nghệ hiện đại và giảm chi phí đầu tư, từ đó tạo động lực để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, hội nhập cũng sẽ đam lại những thách thức rất lớn do chênh lệch trình độ, cạnh trạnh lớn khi “hàng rào” thuế quan dược dỡ bỏ và yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hơn. Trong khi đó, ngành chăn nuôi của Việt Nam còn hạn chế về mặt chất lượng đầu vào giống vật nuôi để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, cũng như chi phí sản xuất cao.

Chính vì thế, tại Tọa đàm “Phát triển ngành công nghiệp bò và sữa hiện đại, hội nhập và bền vững tại Việt Nam,” do Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Hiệp hội Thịt-Gia súc ​Australia tổ chức ngày 9/11 tại Hà Nội, đa số các diễn giả đều cho rằng, Việt Nam cần tập trung tháo gỡ rào cản trong sản xuất, xác định khâu lợi thế để đầu tư, tránh tình trạng chăn nuôi theo phong trào, không hiệu quả.

Nhiều rào cản

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc lai tạo cải thiện bò thịt, bò sữa để tiếp cận gần với tiêu chuẩn công nghệ quốc tế, nhưng trên thực tế, kết quả đạt được còn rất thấp. Các giống bò thuần chủng chưa nuôi được ở Việt Nam, trong khi giống bò lai chưa đảm bảo được yêu cầu về năng suất và chất lượng.

Về phương thức chăn nuôi, bò thịt và bò sữa tại Việt Nam vẫn chủ yếu là tận nuôi theo phương thức tập quán nuôi theo hộ, manh mún, thiếu sự liên kết chuỗi với các đơn vị sản xuất chế biến và chăn nuôi lớn. Vì thế, nhiều khâu sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu công nghiệp như về thức ăn chăn nuôi, công nghệ tự động hóa…

“Xét về năng lực sản xuất, hiện nay ngành bò sữa và bò thịt cũng còn ở mức độ rất hạn chế. Với khoảng 90 triệu dân số, nhưng ngành bò sữa mới mới chỉ đáp ứng được 35% so với nhu cầu, và ngành bò thịt đáp ứng được khoảng 50-60%. Bên cạnh đó, sản phẩm của Việt Nam cũng chưa cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu, từ giá cả, dinh dưỡng đến an toàn vệ sinh thực phẩm,” ông Hà thẳng thắn nói.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, nhu cầu vay vốn của người dân để duy trì và phát triển chăn nuôi là khá lớn, tuy nhiên, số hộ được tiếp cận vốn vay mới với lãi suất thấp dưới 11%/năm còn thấp. Phần lớn các ngân hàng chỉ mới giảm lãi suất đối với vốn vay cũ, còn việc cho vay mới với lãi suất thấp và giãn nợ hầu hết chứ được thực hiện.

“Nguyên nhân là, việc giảm lãi suất vay sẽ làm giảm lợi nhuận, tăng tính rủi ro, nên một số chi nhánh ngân hàng tại các tỉnh có dấu hiện né tránh. Thêm vào đó, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn là phải có tài sản thế chấp, trong khi phần lớn họ đã thế chấp hết tài sản cho vốn vay cũ. Thực tế này đã phần nào tạo rào cản đầu tư của người chăn nuôi, nhất là các gióng bò nhập khẩu đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế,” ông Vân nói.

["Nếu không thay đổi, chăn nuôi sẽ khó cạnh tranh khi gia nhập TPP"]

Đến dự và phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trước yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện đời sống người nông dân, ngành chăn nuôi được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, thực tế thay đổi của ngành này vẫn còn rất thấp.

Theo thống kê, hiện nay, trên cả nước có khoảng 2,5 triệu hộ nuôi bò thịt và 24.000 hộ tham gia chuỗi sản xuất chăn nuôi bò sữa - chủ yếu là nhập khẩu con giống từ nước ngoài. Về cơ cấu sản phẩm, lượng thịt bò tiêu thụ cũng còn rất thấp. Đơn cử như, năm 2015, sản phẩm toàn ngành đạt khoảng 4,6-4,8 triệu tấn thịt hơi (bao gồm thịt lợn, thịt bò...), trong đó thịt bò chỉ chiếm khoảng 10%.

“Rõ ràng, trong tái cơ cấu nông nghiệp, nếu chúng ta không có vai trò của các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn cũng như việc thúc đẩy liên kết giữa khâu thị trường, doanh nghiệp với nông hộ thì việc thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn sẽ rất khó,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

Ngành chăn nuôi bò trước "cú sốc" hội nhập để thúc đẩy tái cơ cấu ảnh 2Mô hình nuôi vỗ béo bò Úc tại xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cần dự án mẫu

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng lưu ý, chăn nuôi bò và bò sữa là ngành có rất nhiều tiềm năng. Các cơ chế, chính sách của Chính phủ cho việc phát triển chăn nuôi và giống, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cũng đã có đầy đủ. Chính vì thế, ngành chăn nuôi bò và phát triển sữa theo chuỗi cần định hình được khâu lợi thế, để tập trung đầu tư, tránh tình trạng sản xuất phân tán, không hiệu quả.

“Thêm vào đó, chúng ta cần xây dựng một số dự án mẫu, điển hình để có cơ sở định hình, tập trung tháo gỡ rào cản trong sản xuất, tránh tình trạng chăn nuôi theo phong trào, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, cũng như khó kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, làm giảm thương hiệu trên thị trường,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Qua thực tế nêu trên, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV cũng khuyến nghị, ngành chăn nuôi của Việt Nam cần hiện đại hóa công nghiệp chăn nuôi bò thịt và bò sữa ngay vào đầu năm 2016 đồng thời xác định cụ thể các đối tác, chú trọng về an toàn thực phẩm; tăng cường phát triển theo chuỗi, cũng như tạo chuỗi phát triển gia tăng, thu hút các doanh nghiệp lớn, để phát triển bền vững.

“Với những đòi hỏi trên, BIDV cam kết dành các gói tín dụng ngắn hạn và dài hạn ưu đãi trong giai đoạn 2016-2020 cho các doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp chăn nuôi bò và sữa. Đồng thời, BIDV cũng sẵn sàng phối hợp với ngành công nghiêp chăn nuôi tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng hơn để đánh giá triển vọng, cơ hội, thách thức khi các Hiệp định thương mại tự do (TPP) có hiệu lực,” ông Hà nói.

Từ góc độ quốc tế, ông Dennis Hussey, Tổng giám đốc Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên ANZ Việt Nam cũng khẳng định, trong quá trình hội nhập, ngành chăn nuôi như nuôi bò thịt, bò sữa của Việt Nam sẽ đón nhận những cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, để hội nhập bền vững, đòi hỏi những lĩnh vực như vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ phải được chú trọng hơn.

Ông Dennis Hussey cũng cho biết, hiện nay, tại Việt Nam còn ít doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi và phát triển bò. Vì thế, ANZ cùng với Ngân hàng BIDV và Hiệp hội Thịt và Gia súc Úc (MLA) cũng như các chuyên gia hàng đầu trong ngành bò và sữa Úc cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và phát triển mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi bò, nhất là bò sữa trong những năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục