Ngành chăn nuôi lợn Pháp vẫn trong ngõ cụt của cuộc khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng ngành chăn nuôi lợn của Pháp vẫn đang trong ngõ cụt khi hai công ty giết mổ gia súc lớn nhất của Pháp tiếp tục không tham gia Sàn giao dịch thịt lợn vùng Bretagne.
Ngành chăn nuôi lợn Pháp vẫn trong ngõ cụt của cuộc khủng hoảng ảnh 1Khách hàng chọn mua các sản phẩm thịt tại siêu thị "Super U" ở Neuville-aux-Bois (Pháp). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng ngành chăn nuôi lợn của Pháp vẫn đang trong ngõ cụt, chưa tìm được lối thoát khi hai công ty giết mổ gia súc lớn nhất của Pháp là Cooperl và Bigard/Socopa tiếp tục không tham gia Sàn giao dịch thịt lợn vùng Bretagne (MPB) tổ chức ngày 13/8 tại thành phố Plérin, khiến các giao dịch tiếp tục bị ngưng trệ.

Trước đó, hai doanh nghiệp này đã "tẩy chay" không mua thịt lợn trong nước với lý do giá mua ấn định ở mức 1,4 euro/kg là quá cao.

Sàn giao dịch MPB được coi như là chợ đầu mối thịt lợn chủ lực cho thị trường tiêu thụ nội địa Pháp, giá thịt lợn ấn định tại đây là giá tham chiếu cho thị trường thịt lợn quốc gia. Việc các giao dịch không thể thực hiện được do cuộc chiến giá cả trong các ngày 10 và 13/8 trên sàn MPB cho thấy cuộc khủng hoảng trong ngành chăn nuôi của Pháp hết sức nghiêm trọng.

Trong ngày 13/8, 11 trên tổng số 13 doanh nghiệp giết mổ gia súc đã có mặt tại sàn, tuy nhiên, giao dịch không diễn ra do vắng mặt hai “đại gia” Cooperl và Bigard/Socopa vốn đang nắm giữ 30% giá trị giao dịch tại đây. Đặc biệt, công ty Cooperl có khả năng chi phối thị trường do chế biến 20% lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường nội địa Pháp.

Thông qua việc vắng mặt này, hai công ty Cooperl và Bigard/Socopa muốn gây sức ép lên chính phủ, phản đối giá thịt lợn được ấn định ở mức cao. Theo họ, mức giá này cao hơn 0,28 euro so với giá mua tại Đức và 0,38 euro so với giá mua tại Hà Lan.

Theo ông Patrice Drillet, Chủ tịch công ty Cooperl, một số tập đoàn phân phối bán lẻ lớn như E.Leclerc, Intermarché et Casino có thể chấp nhận mức giá 1,4 euro/kg để “duy trì sự hài hòa” trong xã hội do họ không phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế.

Trong khi đó Cooperl xuất khẩu 35% sản lượng của mình thì không thể mua vào ở mức giá này. Nhà lãnh đạo của công ty Cooperl khẳng định sẽ chỉ tham gia trở lại Sàn giao dịch MPB khi giá cả được thiết lập một cách minh bạch và cởi mở, không chịu sự can thiệp của chính phủ.

Phát biểu với báo chí, Chủ tịch Liên hiệp các nhà sản xuất thịt vùng Bretagne, Michel Bloc'h, đã nêu những khó khăn của người chăn nuôi và tình trạng vô vọng hiện nay khi giá bán ra không đủ trang trải các chi phí sản xuất. Ông cũng yêu cầu Thủ tướng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào cuối tuần này nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stéphane Le Foll đã cam kết sẽ làm việc với đại diện hai công ty nói trên vào tuần sau đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp chế biến cũng như người tiêu dùng thể hiện trách nhiệm tập thể, ưu tiên tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Pháp. Tuy nhiên, ông cũng phải thừa nhận là không có “đòn bẩy pháp lý” nào buộc các công ty phải giao dịch tại sàn MPB. Về phía mình các công ty dọa sẽ mua thịt lợn của Đức và Tây Ban Nha nhằm giảm giá thành sản phẩm.

Cũng trong ngày 13/8, ngay từ sáng sớm, khoảng 100 nông dân tỉnh Calvados, vùng Basse-Normandie, Tây-Bắc nước Pháp, dùng 50 máy kéo và nhiều rơmoóc chở theo khoảng 300 tấn chất thải chăn nuôi, đã chặn mọi ngả đường dẫn vào trụ sở hành chính tỉnh đóng tại thành phố Caen.

Người biểu tình đã yêu cầu nhà chức trách làm rõ chính sách giá đối với người sản xuất sữa, các công ty giết mổ gia súc và những nhà cung cấp thực phẩm đồng thời dọa sẽ đổ chất thải ra trước trụ sở tỉnh. Vào buổi trưa, 50 máy kéo lại được đưa đến bổ sung. Nông dân trong vùng đã lên kế hoạch biểu tình đến hết tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục