Ngành công thương: Nhiều thủ tục, quy định như đánh đố địa phương

Mặc dù nhiều thủ tục, giấy phép đã được các bộ quản lý chuyên ngành đơn giản hóa, bãi bỏ nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, hoạt động cấp phép còn phức tạp, một số quy định còn mâu thuẫn nhau.
Ngành công thương: Nhiều thủ tục, quy định như đánh đố địa phương ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù nhiều thủ tục, giấy phép đã được các bộ quản lý chuyên ngành đơn giản hóa, bãi bỏ nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, hoạt động cấp phép còn tồn tại nhiều bất cập do một số quy định mâu thuẫn nhau, gây khó cho cả người thực thi lẫn doanh nghiệp.

Đây cũng là nội dung chính được đưa ra tại hội nghị "Lấy ý kiến tổ chức, cả nhân về quy định, thủ tục hành chính của ngành công thương" do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap) tổ chức sáng 19/10, tại Hà Nội.

Theo ông Lê Hồng Lam, đại diện liên đoàn luật sư Việt Nam, nhiều thủ tục của Bộ Công Thương đã được rút gọn, đơn giản hóa nhưng trên thực tế việc triển khai từ phía dưới vẫn hết sức phức tạp.

Dẫn chứng cho việc trên, ông Lê Hồng Lam cho biết, ngành nghề Chế biến thuốc lá đã được phép, nhưng khâu trồng trọt và thái sợi thuốc lá phục vụ chế biến thì lại chưa được điều chỉnh nên doanh nghiệp không được Sở Công Thương cấp phép.

Vị này tỏ ra bức xúc khi cho rằng, những quy định trên đang làm khó cho doanh nghiệp và đây chính là một trong những bất cập của thủ tục hành chính hiện nay.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp là vậy, còn từ phía cơ quan trực tiếp thực hiện việc cấp phép cũng nảy sinh nhiều bất cập trong đó nhiều thủ tục ban hành còn quá chung chung, dễ gây hiểu lầm, thậm chí một số văn bản còn mâu thuẫn nhau.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong Thông tư 58 của Bộ Công Thương đã quy định "cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ" không phải cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng trong Nghị định 38/CP lại quy định "cơ sở sản xuất thực phẩm ban đầu nhỏ lẻ" thì không phải cấp.

Như vậy, việc phát sinh thêm cụm từ "ban đầu" đối với lĩnh vực này đã làm khó cho Sở Công Thương Hà Nội trong việc cấp hay không cấp giấy phép An toàn thực phẩm.

Một trường hợp nữa được lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho là đang "đánh đố" các cơ quan cấp dưới, đó là việc cấp chứng nhận cho cơ sở sơ chế thực phẩm thực hiện tại siêu thị. Theo bà Lan, hiện cả Sở Nông nghiệp và Sở Công Thương đều không biết trách nhiệm chính thuộc về bên nào.

"Cái gì riêng của từng bộ thì ít vướng nhưng nếu có nhiều bộ cùng tham gia quản lý thì lại chưa có sự kết nối tốt," bà Lan thẳng thắn nói.

Ngành công thương: Nhiều thủ tục, quy định như đánh đố địa phương ảnh 2Bộ Công Thương lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đánh giá về việc cải cách thủ tục hành chính, lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, "tính công khai trong một số thủ tục hành chính của Bộ Công Thương vẫn chưa đến được với nhiều doanh nghiệp".

Qua ví dụ về việc quy định phải có cụm từ "thái thuốc lá" mới cấp phép, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ pháp chế cho rằng, đây chỉ là "trao đổi miệng" và liên quan đến yếu tố con người thực thi triển khai luật doanh nghiệp.

Ông Tân khẳng định, Bộ Công Thương đã hết sức minh bạch, rõ ràng từ tên đến từng thủ tục hành chính cũng như các bước thực hiện thủ tục đó như thế nào nhưng việc cụ thể hóa hiện đang vướng ở địa phương.

"Thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính đều có, cơ quan từ Trung ương đến địa phương nếu từ chối không cấp phép phải có lý do bằng văn bản cụ thể. Tôi xin nhấn mạnh, con người thực hiện đã được chưa trong khi đã có quy định rồi?" - ông Nguyễn Sinh Nhật Tân đặt câu hỏi.

Tính đến ngày 10/10 vừa qua, Bộ Công Thương đang quản lý 361 thủ tục hành chính (trong đó có 50 dịch vụ công). Theo đại diện Vụ pháp chế (Bộ Công Thương), trong năm 2016, hầu hết các dịch vụ công sẽ được nâng cấp lên cấp độ 3,4 tức là kê khai và xử lý qua mạng, nhằm tiết kiệm thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng công khai các thủ tục hành chính từ ngay nơi tiếp nhận hồ sơ, đồng thời minh bạch, niêm yết các thủ tục trên trang thông tin http://kstthc.moit.gov.vn để tiếp nhận các ý kiến phản ảnh của doanh nghiệp về công tác cải cách thủ tục hành chính của bộ này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục