Ngành công thương vẫn còn yếu ngay ở "sân nhà"

Một trong những điểm yếu của ngành công thương là sức cạnh tranh của ngành còn yếu ngay cả trên “sân nhà” và “sân người.”
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng ngành công thương phải khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển hiện nay như sức cạnh tranh còn yếu ngay cả trên “sân nhà” và “sân người” gây cản trở cho quá trình mở cửa hội nhập.

Dự Hội nghị triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2011 của Bộ Công Thương sáng 7/1 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng biểu dương ngành công thương đã thực hiện tốt mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, mở rộng quan hệ thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực điều hành của đội ngũ cán bộ.

Bên cạnh đó, ngành đã đạt được những kết quả quan trọng về tăng trưởng xuất khẩu và mở rộng thị trường trong nước; đưa nhiều công trình, dự án lớn vào sản xuất, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung toàn ngành và của cả nước trong năm 2010 và cả 5 năm vừa qua.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực như an ninh năng lượng, an ninh lương thực còn gặp nhiều thách thức do thiếu điện, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật...

Đặc biệt, tốc độ công nghiệp hóa-hiện đại hóa nhanh nhưng tốc độ tiêu dùng năng lượng còn nhanh hơn là một minh chứng rõ nét về cơ cấu kinh tế chưa hiệu quả.

Trong khi giá điện chưa được tính đúng, tính đủ, tiêu dùng điện năng cho sản xuất và sinh hoạt còn lãng phí (hệ số đàn hồi điện năng lên tới 2); việc sử dụng vật tư, nhiên liệu chưa hiệu quả đã tạo ra sức ép lớn về nhập siêu, mất cân đối tỷ giá, thiếu ngoại tệ và dẫn tới nền kinh tế luẩn quẩn trong vòng tăng trưởng về số lượng.

Phó Thủ tướng chỉ rõ với nhiệm vụ kế hoạch đề ra trong năm 2011 tăng trưởng 14,8%, giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 8%; xuất khẩu hàng hóa tăng 10%, nhập siêu khoảng 18% so với kim ngạch xuất khẩu; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tăng 25%, Bộ Công Thương cần đề ra giải pháp hành động ngay nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn 2011-2015.

Bộ cần tính toán chuyển đổi cơ cấu công nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường; công nghiệp hóa-hiện đại hóa hướng về các ngành kinh tế, nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giúp cho người dân nông thôn (chiếm tới 80% dân số) được hưởng lợi nhiều nhất.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành công thương sớm có giải pháp cụ thể, hiệu quả để làm chủ chính thị trường trong nước với hơn 80 triệu dân; đồng thời tận dụng lợi thế mở rộng thị trường quốc tế để chủ động xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và nhập khẩu hợp lý nhiên liệu, công nghệ mới.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, năm 2010, ngành công thương đã lấy lại được đà tăng trưởng 14% của những năm trước khủng hoảng; cơ cấu sản xuất công nghiệp đã thay đổi tích cực theo hướng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 90%) và giảm dần công nghiệp khai thác tài nguyên.

Song hành với công nghiệp, thương mại cũng đạt được mức tăng trưởng toàn diện tại thị trường trong nước cũng như nước ngoài với kim ngạch xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009.

Việt Nam đã có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may đứng đầu đạt trên 11 tỷ USD.

Nhờ kiểm soát chặt nhập khẩu và “thắng lợi” của xuất khẩu, nhập siêu hàng hóa đã giảm hơn 5% và bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục