Ngành đóng tàu vượt “bão” khủng hoảng, sinh lời trong sản xuất

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu và làm ăn có lãi, lỗ được giảm rõ. Ngành đóng tàu đã được “bẻ lái” đúng hướng khi tập trung vào thị phần nội địa.
Ngành đóng tàu vượt “bão” khủng hoảng, sinh lời trong sản xuất ảnh 1Công ty Đóng tàu Hạ Long bàn giao một tàu hàng đã đóng xong. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Sau gần 3 năm thực hiện tái cơ cấu và “khai tử” mô hình Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được đổi thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) vào cuối tháng 10/2013, đến nay, các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đều hoàn thành, lỗ không phát sinh mà giảm rõ, công tác tái cơ cấu có kết quả khả quan.

Dù thị trường đóng tàu còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức cạnh tranh, nhưng con tàu SBIC thực sự đã được “bẻ lái” đúng hướng và nhiệm vụ năm 2016 vẫn chú trọng xác định thị trường trong nước là lớn nhất, trong đó tàu cá là cơ bản.

Trọng tâm là tàu cá

Theo báo cáo của SBIC, năm 2015, tình hình thị trường vận tải đã có dấu hiệu phục hồi nhưng các đơn vị của Tổng công ty vẫn chưa tiếp cận được các đơn hàng với chủ tàu nước ngoài. Các chủ tàu trong nước vẫn đang chờ đợi thị trường vận tải “ấm lên” nên chưa có dấu hiệu dự án đầu tư mới.

“Việc các tổ chức tín dụng vẫn thắt chặt nguồn vốn cũng là nguyên nhân tạo ra những yếu tố bất lợi cho các đơn vị đóng tàu làm giãn tiến độ hợp đồng, trì hoãn thời gian bàn giao. Cùng với đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước gặp khó khăn nên không bố trí đủ vốn cho các dự án đóng tàu, dẫn đến nhiều sản phẩm đăng ký đóng trong năm chưa ký được hợp đồng như dự án 20 tàu kiểm ngư cỡ trung KN570 đợt 2, tàu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...,” ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC cho hay.

Bên cạnh đó, chính sách đóng tàu cá cho ngư dân vẫn còn nhiều bất cập nên chưa tạo điều kiện cho ngư dân và cơ sở đóng tàu thực hiện.

Đề cập đến kết quả kinh doanh của năm 2015, ông Sự cho biết, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính gồm đóng mới tàu các gam tàu vừa và nhỏ, sửa chữa tàu cho các đơn vị trong và ngoài nước, các sản phẩm của SBIC thực hiện đều có lãi.

Doanh thu của các sản phẩm đạt gần 5.800 tỷ đồng trừ đi chi phí sản xuất gần 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận của SBIC đạt được trong năm 2015 gần 1.000 tỷ đồng. Mức lỗ của SBIC còn trên 4.000 tỷ đồng, như vậy cũng đã giảm một nửa sau gần 3 năm thực hiện tái cơ cấu.

Năm 2015, SBIC triển khai thi công 254 sản phẩm và bàn giao 178 sản phẩm, bằng 144% kế hoạch, trong đó có 15 tàu kiểm ngư, 20 tàu cá, 36 tàu xuất khẩu và các sản phẩm khác. Riêng với 8 đơn vị giữ lại của SBIC đã bàn giao 88 sản phẩm gồm 8 tàu kiểm ngư, 7 tàu cá và 73 sản phẩm khác.

Về kết quả này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã biểu dương Tổng công ty thực hiện được thành công toàn bộ các nội dung tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngành đóng tàu vượt “bão” khủng hoảng, sinh lời trong sản xuất ảnh 2Tàu vỏ thép số hiệu PY 99999 TS của ngư dân tại Phú Yên. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

“Trong điều kiện thị trường khó khăn, hàng loạt nhà máy đóng tàu phá sản, thì SBIC đang vươn lên, tập trung vào đóng tàu, vào những sản phẩm có chất lượng được thị trường chấp nhận, sản xuất kinh doanh bắt đầu có hiệu quả,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu SBIC phải đổi mới tư duy, phải tập trung vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, không chạy theo doanh thu, tập trung vào thị trường trong nước đồng thời phải vươn ra nước ngoài. SBIC đã có mô hình rất tốt đó là Sông Cấm, phải nhân rộng lên.

“Bỏ ngay tư tưởng dựa dẫm”

Về kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp, đại diện SBIC khẳng định, đến hết năm 2015, SBIC đã cơ bản hoàn thành việc tái cơ cấu doanh nghiệp. Cụ thể, đến 31/12/2015, Tổng công ty đã tái cơ cấu được 225/272 đơn vị, đạt tỷ lệ 82,7% so với Đề án. Đối với 47 đơn vị còn lại, SBIC sẽ tiếp tục tái cơ cấu trong năm 2016. Các đơn vị này đã được SBIC phân tích lựa chọn hình thức tái cơ cấu từng đơn vị và đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt hình thức.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công đánh giá cao thành tích mà SBIC đã đạt được trong thời gian qua, từ một Vinashin thua lỗ hiện nay công ty mẹ và 8 đơn vị được giữ lại của SBIC đã bắt đầu làm ăn có lãi, đời sống cán bộ công nhân viên được cải thiện, thu nhập ổn định.

“Tuy nhiên, toàn Tổng công ty số lỗ vẫn còn nhiều, SBIC phải tập trung hơn nữa trong quá trình tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ," Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.

Bổ sung thêm, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, hiện, thị trường nước ngoài còn khó khăn nên phải xác định thị trường trong nước là lớn nhất, trong đó tàu cá là cơ bản. Phải chủ động đưa ra các loại mẫu mã, công nghệ với chi phí hợp lý. Tinh thần chung là phải làm theo thị trường, thuận mua vừa bán. Muốn bán được tàu cho ngư dân cần ăn chắc mặc bền. Tàu phải chịu được sóng gió, chi phỉ rẻ, an toàn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, SBIC cần bỏ ngay tư tưởng dựa dẫm, xin cơ chế đặc thù mà phải đổi mới tư duy, chủ động, linh hoạt hơn.

“Đừng có cái gì cũng xin chỉ định, ỷ lại đặc thù, cái gì cũng xin-cho mãi. Khó khăn đây có cả khách quan, chủ quan, chúng ta phải biết phân tích đánh giá, để lựa chọn giải pháp phù hợp. Tranh thủ sự giúp đỡ là cần thiết nhưng nay phải đổi mới tư duy để phát triển xa hơn trên cơ sở cơ chế thị trường và không thể chung chung, mà phải đi vào từng việc rất cụ thể, quyết liệt thực hiện bằng được,” người đứng đầu ngành giao thông khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục