Ngành du lịch Pháp "hứng đạn" sau vụ khủng bố ở Charlies Hedbo

Thiệt hại có thể nhận thấy trước tiên là hình ảnh "một nước Pháp an toàn" sẽ bị ảnh hưởng và khách du lịch hủy các chuyến thăm nước này.
Ngành du lịch Pháp "hứng đạn" sau vụ khủng bố ở Charlies Hedbo ảnh 1Tháp Eiffel ở Paris. (Nguồn: Getty Images)

Cựu Giám đốc điều hành tập đoàn chế biến thực phẩm Mỹ H.J. Heinz Co., ông Bill Johnson cảnh báo những vụ nổ súng vừa qua của các phần tử khủng bố tại thủ đô Paris (Pháp) sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế Pháp nói riêng và xa hơn là nền kinh tế thế giới nói chung, khi nhiều người dân cảm thấy lo sợ và hạn chế ra ngoài.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay thì một sự kiện xảy ra tại một quốc gia thuộc Nhóm bảy nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới với vị trí địa lý là “trái tim của châu Âu” như Pháp sẽ có ảnh hưởng đến thế nào là điều mà nhiều người có thể mường tượng được.

Đối tượng “hứng đạn” tiếp theo sau những nạn nhân tại tòa soạn báo Charlies Hedbo và những nơi khác tại Pháp có thể là ngành du lịch nước này.

Với nghệ thuật ẩm thực, những công trình kiến trúc nổi danh thế giới cùng nhiều phong cảnh tuyệt đẹp, Pháp được coi là điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Pháp, Pháp là một trong những lựa chọn hàng đầu của du khách Mỹ, vốn nổi tiếng chi tiêu mạnh tay, khi quốc gia này thu hút tới 19,9% lượng du khách Mỹ ghé thăm châu Âu trong năm 2013, chỉ sau Vương quốc Anh với 26,3%.

Du lịch cũng đóng góp khoảng 7% GDP cho kinh tế Pháp, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Ngoại vụ và Phát triển Quốc tế Pháp. Ngành du lịch cũng tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động và đây là một trong những lĩnh vực kinh tế hiếm hoi mang lại nhiều cơ hội cho giới trẻ, dù không có bằng cấp cao, vẫn có thể dễ dàng tham gia thị trường lao động để ổn định cuộc sống.

Theo ông Luke Bujarski, Giám đốc phụ trách lĩnh vực nghiên cứu tại công ty chuyên nghiên cứu hoạt động du lịch và lữ hành Phocuswright, thiệt hại có thể nhận thấy trước tiên là hình ảnh "một nước Pháp an toàn" sẽ bị ảnh hưởng và khách du lịch có thể hoãn hoặc hủy các chuyến thăm tới nước này.

Còn đối với các du khách can đảm vẫn quyết định tới Pháp để chiêm ngưỡng các danh lam thắng cảnh ở đây thì họ cũng không thể “tung tăng” như trước vì lực lượng cảnh sát Pháp siết chặt an ninh và kiểm tra nghiêm ngặt để ngăn chặn những vụ tấn công tương tự có thể tái diễn.

Mới đây, Chính phủ Pháp cho biết đã điều động 10.000 binh lính và bố trí thêm khoảng 5.000 cảnh sát để đảm bảo và nâng cao mức độ an ninh trên toàn quốc.

Trước những nhận định có phần lo ngại, ông Todd Sandler, Giáo sư kinh tế tại Đại học Texas ở Dallas (Mỹ), lại cho rằng niềm tin của các doanh nghiệp thực tế không bị lung lay nhiều khi những vụ tấn công trên diễn ra tại quốc gia có nền kinh tế lớn (dù đang trì trệ) như Pháp. Pháp là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, với nhịp độ tăng trưởng hiện chỉ đạt khoảng 0,2%.

Tất nhiên, những tổn thất về người và kinh tế là khó có thể đong đếm được và cần có thêm thời gian để đánh giá chính xác.

Ví dụ, vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2014 tại Mỹ khiến chỉ riêng New York chịu thiệt hại tới 55 tỷ USD, trong khi chi phí dành cho công tác an ninh gia tăng, hoạt động kinh tế suy giảm và những chi phí khác cũng tiêu tốn hơn 3.300 tỷ USD của nền kinh tế lớn nhất thế giới này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục