Ngành giao thông: Hạn chót lắp hộp đen xe taxi ngày 1/7 là bắt buộc

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lộ trình lắp đặt hộp đen trên xe taxi từ ngày 1/7 tới là bắt buộc.
Ngành giao thông: Hạn chót lắp hộp đen xe taxi ngày 1/7 là bắt buộc ảnh 1Cảnh sát giao thông xử phạt xe taxi vi phạm Luật giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến việc Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam xin Bộ Giao thông Vận tải lùi thời hạn kiểm tra việc lắp thiết bị giám sát hành trình vào năm 2016, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định, việc gắn thiết bị giám sát hành trình (GPS-hộp đen) theo Nghị định 86 của Chính phủ từ ngày 1/7 tới đối với xe taxi là bắt buộc.

Là đơn vị cung cấp và lắp đặt hộp đen cho các đơn vị vận tải, ông Trần Xuân Đức, Giám đốc Công ty cổ phần TCT Toàn Cầu cho rằng, theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, về tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị GPS cho các loại hình xe chỉ quy định những tính năng cơ bản đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước về vận tải và an toàn giao thông.

[Lắp hộp đen taxi: Hiệp hội xin lùi, Tổng cục bảo lưu lộ trình!]

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị GPS đều phát triển rất nhiều dịch vụ quản lý, dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng trên nền thiết bị và dữ liệu cơ bản theo quy định.

Đơn cử, từ vị trí xe ở đâu có thể chỉ đích danh xe đến đón khách làm giảm km rỗng của lái xe, tận dụng đường truyền của thiết bị để truyền thông tin giữa tổng đài và lái xe, truyền thông tin của đồng hồ về máy chủ để quản lý doanh thu, xây dựng dịch vụ kết hợp xe taxi đi đường dài đón khách chiều về, kết hợp dịch vụ đi xe chung …và nhất nhiều dịch vụ hữu ích khác dần được hoàn thiện.

“Với kinh nghiệm triển khai cho xe taxi, việc lắp đặt thiết bị định vị cho xe không những nâng cao việc quản lý của Nhà nước và doanh nghiệp mà còn tạo ra nhiều hướng phát triển mới, nâng cao dịch vụ đối với hành khách,” ông Đức đánh giá.

Đề cập đến việc thời gian 07 tháng để doanh nghiệp triển khai lắp đặt hộp đen trên xe taxi có quá gấp hay không, ông Đức nhìn nhận, Chính phủ ban hành Nghị định 86 đã được xây dựng, lấy ý kiến của các Bộ, ban ngành và các doanh nghiệp đồng thời cân nhắc các đặc điểm kỹ thuật và lộ trình triển khai hợp lý. Các doanh nghiệp taxi đã được biết những thông tin này từ cách đây 4 năm khi Quy chuẩn quốc gia về thiết bị giám sát hành trình QCVN31:2011/BGTVT được ban hành.

“Doanh nghiệp đã có đủ thời gian để xây dựng lộ trình thực hiện cho đơn vị mình. Do đó, việc xin lùi thời hạn là không hợp lý,” ông Đức khẳng định.

Đồng tình quan điểm này, theo ông Khuất Việt Hùng, quy định của pháp luật thì bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân nào cũng đều phải thực hiện. Việc gắn hộp đen là bắt buộc. Ủy ban An toàn giao thông cũng nhất trí với ý kiến của Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) là có thể kiến nghị Chính phủ lùi thời gian xử phạt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Liên quan đến kiến nghị lùi lắp GPS do các đơn vị triển khai được phần mềm có những tính năng tương thích với GPS, ông Khuất Việt Hùng đánh giá, GPS là thiết bị đơn giản nhưng lại hoạt động ổn định, gắn vào xe. Phần mềm của Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là giám sát phương tiện qua điện thoại, những ứng dụng mà taxi Vinasun đang làm là thiết bị rời không gắn với xe, không có tính ổn định.

Bổ sung thêm, theo ông Đức, việc áp dụng phần mềm quản lý taxi các doanh nghiệp đã tiến hành từ rất lâu, không phải đến bây giờ các doanh nghiệp mới bắt đầu triển khai, các phần mềm này từ quản lý cuộc gọi, tổng đài, quản lý lái xe… đến khi lắp đặt hộp đen định vị thì các phần mềm quản lý taxi sẽ được bổ sung thêm các dữ liệu từ thiết bị này.

“Tôi đồng ý với quan điểm việc triển khai lắp đặt hộp đen taxi không liên quan đến doanh nghiệp có triển khai phần mềm quản lý. Chúng ta đang nói đến vấn đề hiệu lực quản lý Nhà nước và vấn đề quản lý tại doanh nghiệp. Cách làm đúng đắn nhất của doanh nghiệp là tuân thủ những quy định đã ban hành và dựa trên nền tảng đó để xây dựng bổ sung các vấn đề cho từng bài toán quản lý cụ thể, từng xu hướng công nghệ mới xuất hiện,” ông Đức chia sẻ./.

Thiết bị giám sát hành trình (hộp đen-GPS) của xe phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu như: lưu giữ và truyền dẫn được các thông tin: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong 24 giờ của từng lái xe. Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải và quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải.

Nghị định 86 quy định, trước ngày 1/7/2015, xe taxi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Từ ngày 1/7/2016, xe taxi phải có thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục