Ngành gỗ còn cần 4 tỷ USD để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 2015

Từ nay đến cuối năm, ngành gỗ sẽ phải đạt kim ngạch xuất khẩu gần 4 tỷ USD mới hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD trong năm 2015.
Ngành gỗ còn cần 4 tỷ USD để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 2015 ảnh 1Dây chuyền sản xuất sản phẩm gỗ của Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Kaiser Việt Nam tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)

Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nhân rộng mô hình điển hình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Hà Nội ngày 3/7, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành gỗ sẽ phải đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ gần 4 tỷ USD mới hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD trong năm 2015.

Đây là mục tiêu khó và ngành gỗ phải rất nỗ lực mới có thể đạt được. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội và các doanh nghiệp đang bàn biện pháp để tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt cho quý IV.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ 6 tháng đầu năm 2015 đạt 3,13 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ trọng hàng chế biến tinh chiếm khoảng 85%. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam chiếm 66% tổng giá trị xuất khẩu.

Tuy có kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, so với cùng kỳ năm ngoái vẫn thấp hơn do xuất khẩu dăm sang thị trường Trung Quốc giảm; một số thị trường ở châu Âu nhập khẩu đồ gỗ ngoài trời cũng giảm, nhưng quan trọng hơn là do giá xuất khẩu giảm.

Các doanh nghiệp ký hợp đồng vào quý IV​ năm 2014 với giá cao, nhưng do đồng euro mất giá nên khi bán giá thấp.

Ông Nguyễn Tôn Quyền cũng cho biết, ngoài thị trường trọng điểm, thị trường mới cũng chưa được mở rộng nhiều. Thị trường Nga được Nhà nước khuyến khích nhưng doanh nghiệp vẫn chưa vào được, thị trường Hàn Quốc rất tốt nhưng vẫn còn thấp.

Trong khi đó, sản xuất trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn bởi giá đầu vào sản xuất vẫn tăng, nhiều doanh nghiệp cũng không muốn phát triển sản xuất. Để đạt được mục tiêu 7 tỷ USD, các doanh nghiệp và nhà máy sẽ phải sản xuất hết công suất.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang cùng doanh nghiệp có những đoàn công tác tiếp cận, mở rộng thị trường như thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Nam Mỹ. Có những đoàn công tác đi tiếp cận, mở rộng thị trường như Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thực hiện kế hoạch nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, bước đầu đã đạt được một số kết quả tại một số địa phương.

Cụ thể, trong năm tháng đầu năm, mặc dù sản lượng gỗ khai thác tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng lượng dăm gỗ xuất khẩu giảm khoảng 15%.

Một số tỉnh trọng điểm xuất khẩu dăm gỗ đã ban hành kế hoạch ngừng sản xuất dăm gỗ xuất khẩu từ năm 2015 như Bình Định nhằm tạo nguyên liệu gỗ lớn cho sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ phế liệu, mùn cưa, dăm gỗ như viên nén năng lượng như Công ty cổ phần Thương mại Quảng Trị, Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đồng ý xây dựng dây chuyền hai của Nhà máy ván MDF của Tập đoàn Cao su Việt Nam tại tỉnh Bình Phước nhằm sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng, gỗ cao su tại khu vực Đông Nam Bộ.

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chủ trì, phố hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất chính sách thuế trong lâm nghiệp; trong đó chú trọng đối với dăm gỗ xuất khẩu nhằm khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lâm sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm sau chế biến.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch tiếp cận thị trường cho xuất khẩu sản phẩm gỗ, trước mắt tập trung vào thị trường Nga và Hàn Quốc; trong đó đề xuất những nội dung, biện pháp cụ thể cần triển khai thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa lâm sản của Việt Nam làm cơ sở để thực hiện các biện pháp điều hành của Nhà nước, thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu và chỉ đạo điều hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục