Ngành thép toàn cầu đối mặt với dư thừa công suất

Theo tờ Wall Street Journal, năm nay, các nhà máy thép khắp thế giới có công suất 1,8 tỷ tấn nhưng chỉ nhận được đơn đặt hàng 1,5 tấn.
Ngành thép toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức khi trở nên quá lớn và ngày càng phình thêm.

Mới đây, tờ Wall Street Journal đưa tin năm nay, các nhà máy thép khắp thế giới có công suất sản xuất 1,8 tỷ tấn nhưng chỉ nhận được đơn đặt hàng 1,5 tấn. Thay vì hợp nhất và trở nên hiệu quả hơn, ngành thép lại tiếp tục mở rộng công suất.

Theo các chuyên gia cố vấn và điều hành ngành thép, đến năm 2016 ước tính có 100 nhà máy mới với tổng công suất khoảng 350 triệu tấn, sẽ đi vào sản xuất. Các công ty ở Việt Nam, Argentina, Ecuador, Peru và Bolivia mà được sự hỗ trợ phần nào của chính phủ các nước này, đang xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng.

Các quan chức ở những nước này cho biết họ muốn đầu tư phát triển công nghiệp, tự cung cấp thép cho các nhà chế tạo trong nước và cắt giảm nhập khẩu. Tuy điều này dường như có thể hỗ trợ phát triển nền kinh tế địa phương song nó lại gây tác động đến ngành thép toàn cầu.

Dan DiMicco, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất thép lớn thứ hai của Mỹ nói: "Mọi người lúc nào cũng muốn xây dựng nhà máy mới, song liệu có thể hiểu thấu những gì sẽ xảy ra tiếp theo."

Các quan chức và các nhà phân tích trong ngành cho biết phải có đến 600-800 nhà máy thép nhỏ ở Trung Quốc, chiếm khoảng 46% sản lượng thép toàn cầu. Dư cung đang là vấn đề kéo lợi nhuận và giá thép đi xuống; đồng thời cũng là lúc các nhà đầu tư và giới chức trong ngành kêu gọi củng cố và hợp lý hóa ngành thép.

ArcelorMittal, Công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới về sản lượng nhưng chỉ chiếm 6% thị trường thép toàn cầu, đã báo cáo mức thua lỗ 709 triệu USD trong quý 3/2012. Giám đốc điều hành Lakshmi Mittal tin rằng ngành thép đang quá manh mún và công ty sẽ tập trung vào việc hợp nhất chừng nào có được cơ hội thích hợp. Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay, vấn đề này dường như ít có tiến triển phần nhiều là do ý chí chính trị.

Ngành thép toàn cầu trị giá cả ngàn tỷ USD mỗi năm dự kiến sẽ tiếp tục là ngành manh mún nhất trong các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp trong tương lai gần. Năm công ty thép hàng đầu thế giới chỉ kiểm soát 18,2% nguồn cung thép toàn cầu. Ngược lại, năm công ty xe hơi lớn nhất thế giới chiếm tới 50,6% thị trường toàn cầu. Còn tốp năm công ty bán quặng sắt seaborne (quặng sắt được xuất khẩu bằng các tuyến đường biển thương mại) chiếm tổng cộng 66,1% thị trường này.

Nhà phân tích Tim Cahill thuộc J&E Davy Holdings Ltd cho rằng ngành thép cần một tập đoàn lớn mua lại những nhà máy nhỏ để đóng cửa bớt những cơ sở không hiệu quả. Nếu không làm được điều này, các nhà sản xuất thép thiếu quy mô kinh tế cần thiết để có thể tiết kiệm đáng kể trong giao dịch và sản xuất, hoặc thiếu đi động lực trong thương thuyết với các nhà cung cấp nguyên vật liệu thô cũng như các khách hàng mua thép như các hãng sản xuất ôtô và đồ gia dụng.

Giá thép cuộn cán nóng ở Mỹ đã giảm trên 35% từ khoảng 1.000 USD/tấn trước thời điểm xảy ra cuộc khung hoảng tài chính năm 2008, xuống còn 636 USD/tấn. Đà giảm giá thép vẫn diễn ra ngay cả khi công ty sản xuất thép lớn thứ tư của Mỹ là RG Steel Corp. nộp đơn xin phá sản trong tháng 5/2012. Công ty này đang làm thủ tục phá sản và như vậy công suất sản xuất 7,5 triệu tấn (tương đương với 9% sản lượng thép trong nước của Mỹ trong năm 2011) của RG Steel không còn trên thị trường thép. Trong khi đó, các chính phủ tiếp tục trợ cấp cho các nhà máy thép cho dù nhu cầu yếu đi để đảm bảo việc làm và duy trì ổn định nền kinh tế địa phương.

Wolfgang Eder, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất thép Voestalpine AG của Áo và là chủ tịch Hiệp hội Thép châu Âu, đã kêu gọi các chính trị gia châu Âu tổ chức một chiến dịch cùng phối hợp cắt giảm công suất thép. Ông nói: "Ngành thép có thể mắc trở lại sai lầm của những năm 1980, theo đó sẽ lại yêu cầu trợ cấp và giữ cho các nhà máy cũ kỹ hoạt động vì các lý do chính trị và xã hội."

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thomas Veraszto của Công ty sản xuất thép OAO Severstal (Nga) cho rằng việc đóng cửa nhà máy, đặc biệt khi nền kinh tế còn yếu, là rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc sát nhập cũng rất khó trong hoạt động kinh doanh thép. Ông Veraszto nói: "Để cùng hợp tác hay sát nhập cần phải thể hiện rõ những giá trị mang lại và điều này thường không dễ trong ngành thép."

Ngành thép còn đóng vai trò lịch sử như là động lực kinh tế. "Không một quốc gia nào trong quá trình công nghiệp hóa mà lại không phát triển ngành thép của riêng mình," giáo sư Davit Hounshell thuộc Trường đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh nhận xét. Mỗi một khu vực cũng có một nhà máy riêng để cung cấp ở địa phương đó. Một khi được xây dựng lên, đó chính là nguồn tạo công ăn việc làm và cần phải được bảo vệ bằng thuế quan hay trợ cấp. Và kết quả cuối cùng vẫn luôn là bài toán dư thừa công suất.

Tại Trung Quốc, nơi hàng ngàn nhà máy nhỏ mọc lên để cung cấp thép các loại cho các tòa nhà chọc trời cũng như việc mở rộng các thành phố mới, Chính phủ cũng đang muốn 10 nhà sản xuất thép hàng đầu có thể chiếm tới 60% sản lượng thép của cả nước vào năm 2015. Tỷ lệ này dự kiến sẽ nâng lên 70% vào năm 2020, tăng so với mức khoảng 50% hiện nay.

Nhà phân tích thép Bradford cho biết Chính phủ Trung Quốc muốn loại bỏ những cơ sở ô nhiễm, không hiệu quả để rộng chỗ cho các công ty thép còn lại có thể thương lượng với các nhà cung cấp vật liệu thô nước ngoài. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó thực hiện.

Trong khi ngành thép đang vật lộn để có được một mặt trận thống nhất hơn, các nhà cung cấp vật liệu thô đã thể hiện mức độ hợp tác rất cao và đang sử dụng thế mạnh của họ.

Cách đây hai năm, công ty cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới BHP Billiton Ltd. đã quyết định bỏ việc đưa ra mức giá quặng sắt dài hạn bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các công ty thép. Giá quặng sát giao ngay thường có mức giá trung bình cao hơn giá quặng dài hạn. Các công ty khai mỏ khác đều đi theo quyết định khởi xướng của BHP./.

Tố Uyên/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục