Vận tải biển muốn có sàn giao dịch để kết nối doanh nghiệp

Ngành vận tải biển muốn có sàn giao dịch để kết nối doanh nghiệp

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Đề án quản lý hoạt động của sàn giao dịch vận tải biển nhằm kết nối giữa các doanh nghiệp.
Ngành vận tải biển muốn có sàn giao dịch để kết nối doanh nghiệp ảnh 1(Ảnh minh họa: Minh Thu/TTXVN).

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Đề án quản lý hoạt động của sàn giao dịch vận tải biển.

Theo ông Bùi Thiên Thu, Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay, việc kết nối giữa các lĩnh vực vận tải để phát huy hiệu quả của toàn hệ thống chưa thực sự hiệu quả như trong vận chuyển hàng hóa quốc tế, thị phần đảm nhận của phương thức vận tải bằng đường biển chiếm 94% trong khi các phương thức vận tải khác chỉ chiếm 6% chứng tỏ việc khai thác kết cấu hạ tầng giao thông chưa có hiệu quả, hợp lý.

Lý giải về thực tế này, ông Bùi Thiên Thu chỉ ra nguyên nhân cơ bản của những tồn tại nêu trên là do nguồn vốn đầu tư thiếu chủ động, mất cân đối giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn nên công tác đầu tư còn dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu trọng-tâm trọng điểm, tính kết nối giữa các phương thức vận tải, thậm chí trong cùng một phương thức chưa tốt; tổ chức vận tải chưa hợp lý, chưa khai thác hết lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước.

“Việc xây dựng sàn giao dịch vận tải biển nhằm giảm chi phí cho nhân lực điều hành vận tải biển; giảm chi phí trung gian, giảm thời gian cho các doanh nghiệp khi tìm hiểu thông tin lẫn nhau,” lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nhìn nhận.

Ngoài ra, khách hàng tham gia sàn giao dịch có nhiều lựa chọn hơn đồng thời tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp; nâng cao hiệu suất vận tải biển; minh bạch hóa hoạt động vận tải biển, đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ; tạo nền tảng cho các cơ quan chức năng quản lý và giúp đỡ tốt hoạt động kinh doanh vận tải biển...

“Sàn giao dịch vận tải biển tạo tiền đề đưa đến sự phát triển ngày càng quy mô, hiện đại và tận dụng được sự tối ưu hóa của ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành vận tải nói chung và vận tải biển nói riêng, là cơ sở để phát triển ngành logistics (kho vận), gia tăng kết nối giữa các dịch vụ vận tải biển cũng như doanh nghiệp chủ hàng, kết nối với hệ thống sàn giao dịch đường bộ và hệ thống các ngành giao thông vận tải khác,” ông Bùi Thiên Thu đánh giá.

Để có cơ sở xây dựng sàn giao dịch vận tải biển, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, việc tiêu chuẩn hóa các giao dịch, điều chỉnh mức giá cước và kết nối thông tin thị trường vận tải biển cần phải được nghiên cứu trên cơ sở các quy định pháp luật về giao kết hợp đồng điện tử và kiểm soát các trang website thương mại điện tử. Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng sàn giao dịch vận tải biển là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, nếu được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đưa ra lộ trình cụ thể cho thời gian xây dựng Đề án quản lý hoạt động của sàn giao dịch vận tải biển là quý 2/2016, thời gian trình Bộ Giao thông Vận tải vào quý 4/2016 và bắt đầu thí điểm triển khai là quý 1/2017.

“Kinh phí xây dựng Đề án với tổng số tiền 140 triệu đồng lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước. Kinh phí xây dựng thí điểm sàn giao dịch vận tải đường biển sẽ được huy động từ các nguồn vốn khác (vốn của doanh nghiệp, vốn tài trợ của các tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế) theo quy định trong đó, khuyến khích và ưu tiên thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác Nhà nước-tư nhân,” ông Bùi Thiên Thu cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục