Ngày 24/3 tới, chốt phương án khắc phục hậu quả vụ sập cầu Ghềnh

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đề nghị Tổng công ty đường sắt Việt Nam trước ngày 24/3 tới phải chốt phương án cuối về khắc phục sự cố báo cáo Bộ.
Ngày 24/3 tới, chốt phương án khắc phục hậu quả vụ sập cầu Ghềnh ảnh 1Nhân viên đường sắt trực tiếp hướng dẫn khách lên tàu. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Tại buổi họp giữa Bộ Giao thông Vận tải với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chiều 21/3 về việc khắc phục hậu quả vụ sập cầu Ghềnh hôm 20/3, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đề nghị Tổng công ty đường sắt Việt Nam trước ngày 24/3 tới phải chốt phương án cuối cùng về khắc phục sự cố báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.

Đồng thời phải chủ động về kỹ thuật, huy động nhân lực điều chỉnh chạy tàu; phối hợp với tỉnh Đồng Nai trung chuyển hành khách và hàng hóa.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết ngày 22/3, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức cuộc họp tại Thành phố Hồ Chí Minh với các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực giao thông vận tải để tìm phương án tốt nhất tháo dỡ và khắc phục sự cố, đảm bảo việc lưu thông đường sắt Bắc-Nam.

Ngày 21/3, các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khảo sát địa hình, tìm phương án trục vớt phần nhịp cầu, trụ cầu bị chìm dưới sông.

Một trong những phương án được thực hiện ngay trong sáng nay là sử dụng máy quét 3D để tìm chướng ngại vật dưới nước. Thiết bị này có thể phát hiện được các vật cản ở độ sâu hàng trăm mét. Việc triển khai thiết bị này nhằm xác định vị trí các chướng ngại vật như nhịp cầu, trụ và mố cầu bị đâm đổ chìm dưới lòng sông, từ đó mới có thể đưa ra phương án trục vớt và khắc phục sự cố.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam Đới Sỹ Hưng cho biết hiện Tổng công ty đã đề xuất 3 phương án để khắc phục sự cố. Cụ thể, phương án 1 tập trung khôi phục 110m đoạn cầu bị sập.

Để thực hiện phương án này phụ thuộc vào kết quả kiểm định trụ T2 và T3, tuy nhiên phải hơn 20 ngày mới có kết quả kiểm định. Phương án 2 là thay mới cả 3 nhịp, không phải gia cố các trụ mà chỉ tăng cường mố cầu, nếu quyết định sẽ triển khai ngay sản xuất thép và trong vòng 2 đến 3 tháng sẽ thi công xong; đồng thời làm mới 2 mố trụ bẳng bêtông cốt thép. Phương án 3 là khôi phục nguyên trạng, làm mới toàn bộ.

Về phương án trục vớt đoạn cầu bị sập xuống sông, qua khảo sát chiều dài 2km (bao gồm hạ lưu và thượng lưu) phạm vi chiều rộng 60m, Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông Vận tải) đề nghị tỉnh Đồng Nai giải tỏa hành lang phía sông Cái để thông tuyến chạy tàu, tránh tình trạng tàu chạy qua khu vực này xảy ra tai nạn thứ hai.

Đối với việc trục vớt, hiện có 2 công ty trình bày phương án trục vớt, cắt nhỏ từng khối đưa vào bờ và phương án cắt toàn bộ, cẩu đưa vào bờ. Trong đó, một đơn vị đề xuất chi phí trục là 12,5 tỷ đồng. Đề nghị địa phương bố trí địa điểm để di chuyển khối thép vào bờ.

Công tác khắc phục hậu quả cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai đang được Bộ Giao thông Vận tải, ngành đường sắt và tỉnh Đồng Nai khẩn trương tiến hành. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, công việc này sẽ còn kéo dài và có thể phải mất từ 3-5 tháng mới thông được tuyến đường sắt Bắc-Nam.

Ngoài đẩy nhanh các phương án khắc phục sự cố sập cầu để sớm thông tuyến đường sắt Bắc Nam, hiện ngành đường sắt và chính quyền các tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp để trung chuyển hành khách bị kẹt lại tại ga Biên Hòa và ga Sài Gòn.

Theo ông Đới Sỹ Hưng, tại ga Biên Hòa, hiện mỗi ngày tiếp nhận 3.000 khách tập kết tại đây, nhưng không phải cùng một lúc mà theo từng chuyến tàu. Ga Biên Hòa có sức chứa khoảng 1.000 khách, do đó ngành đường sắt đang bàn phương án mở rộng mái che để phục vụ khách.

“Đây là việc sống còn của ngành đường sắt, do đó chúng tôi phải đưa ra phương án tối ưu nhất để vận chuyển khách hàng và đảm bảo thuận lợi cho khách hàng,” ông Hưng nhấn mạnh.

Trong ngày 21/3 tại ga Biên Hòa không còn xảy ra tình trạng ùn ứ. Các chuyến tàu từ các tỉnh phía Bắc khi đến ga Biên Hòa sẽ dừng tại đây và được xe khách trung chuyển chở lên ga Sài Gòn. Ngược lại khách đi từ ga Sài Gòn cũng được trung chuyển đến ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình.

Ông Nguyễn Ánh Quân, hành khách đi Hà Nội cho biết, do đây là sự cố bất ngờ nên khách hàng cũng thông cảm và chia sẻ cùng ngành đường sắt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục