Ngày Thơ Việt Nam: Sức hút ở Con đường thi nhân và tiết mục hầu đồng

Ngày Thơ năm nay không còn Sân Thơ Truyền thống và Sân Thơ Trẻ, thay vào đó là Sân Thơ Văn Miếu và Sân Thơ Thái Học với sự xuất hiện của các tác giả thuộc nhiều thế hệ cùng xuất hiện trên một sân thơ.
Ngày Thơ Việt Nam: Sức hút ở Con đường thi nhân và tiết mục hầu đồng ảnh 1Nhiều người có mặt tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám từ rất sớm để tham dự Ngày Thơ Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước,” Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 - Xuân Đinh Dậu 2017 đã chính thức diễn ra sáng nay (11/2) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, ngay từ sáng sớm, rất đông công chúng yêu thơ đã có mặt ở đây để hòa mình vào không khí của ngày hội thơ ca.


Lần đầu tiên có “Con đường thi nhân”

Ông Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trên tinh thần hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017) ngày thơ năm nay được tổ chức với nhiều điểm mới nhằm tái hiện lại hành trình phát triển của Hội cũng như khẳng định sự đồng hành, đóng góp của thơ ca qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Lần đầu tiên, “Con đường thi nhân” được mở tại Ngày Thơ Việt Nam, nối từ cổng vào Sân Thơ Thái Học. Tại đây, chân dung và những câu thơ tiêu biểu nhất của các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ khác nhau được giới thiệu trang trọng tới công chúng.

“Tôi thực sự thấy ấn tượng với cách bài trí ở ‘Con đường thi nhân.’ Sắc xanh của lá hòa cùng sắc đỏ của cờ, hoa, hình những chú chim hạc trang trí và những khung hình nền trắng in ảnh, thơ của các thi nhân… làm sáng bừng không gian Văn Miếu, góp phần quan trọng tạo nên sự náo nức, rộn ràng của một lễ hội thơ. Có thể coi đây là giờ học thực tế sinh động về lịch sử thơ ca Việt Nam cho các bạn trẻ,” nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ.

Ngày Thơ Việt Nam: Sức hút ở Con đường thi nhân và tiết mục hầu đồng ảnh 2"Con đường thi nhân" tại Ngày thơ Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng, ở Ngày Thơ Việt Nam những năm sau, ban tổ nên bố trí nhiều không gian giao lưu, trò chuyện giữa nhà thơ-bạn đọc hơn nữa.

“Những cuộc đối thoại như vậy là rất cần thiết để các nhà thơ được lắng nghe những cảm nhận của bạn đọc về tác phẩm của mình, cũng như để công chúng chia sẻ với người cầm bút rằng, họ kỳ vọng gì ở những sáng tác trong tương lai, chờ đợi những tác phẩm như thế nào sẽ ra đời,” nữ nhà văn nói.

Trình diễn hầu đồng thu hút công chúng

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 - Xuân Đinh Dậu 2017 không còn Sân Thơ Truyền thống và Sân Thơ Trẻ như những năm trước. Thay vào đó là  Sân Thơ Văn Miếu và Sân Thơ Thái Học với ý tưởng về sự xuất hiện của các tác giả thuộc nhiều thế hệ khác nhau (thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, thế hệ các nhà thơ thời kỳ hậu chiến và các nhà thơ trẻ đương đại) cùng xuất hiện trên một sân thơ.

Ngày Thơ Việt Nam: Sức hút ở Con đường thi nhân và tiết mục hầu đồng ảnh 3Không gian thơ thiếu nhi rực rỡ sắc màu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm nay, Ngày Thơ Việt Nam có không gian riêng dành cho thơ thiếu nhi. Tại đây, những sáng tác tiêu biểu của các tác giả nhí được trưng bày. Bên cạnh đó, độc giả nhí cũng được giới thiệu về những cuốn sách văn học thiếu nhi thú vị, các nhà thơ Việt Nam tiêu biểu và tham gia thi sắp xếp các từ cho sẵn thành những câu thơ…

“Tôi cho rằng, việc có một không gian riêng cho thơ thiếu nhi với những hoạt động chơi mà học, học mà chơi như thế này nên được tiếp tục duy trì và mở rộng trong những năm tiếp theo,” chị Thu Hương (ngõ 464 Âu Cơ, Hà Nội) bày tỏ.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, chị cho rằng, ở Ngày Thơ Việt Nam những lần trước, thiếu nhi trình diễn thơ trên sân khấu nhưng số lượng em được tham gia trực tiếp vào hoạt động đó lại không nhiều.

“Hơn nữa, khi các tiết mục khép lại, hầu như khán giả nhí cũng không nhớ được gì nhiều. Thêm vào đó, tôi tin rằng, ở nhà, việc ghi nhớ những câu thơ của các em và việc phụ huynh bảo con em mình đọc một vài câu thơ là điều không hề đơn giản. Thế nhưng, ở đây, các em lại chủ động tham gia xếp chữ cho sẵn thành những câu thơ với thái độ thích thú,” vị phụ huynh này cho biết.

Ngày Thơ Việt Nam: Sức hút ở Con đường thi nhân và tiết mục hầu đồng ảnh 4Không gian giới thiệu các sản phẩm do họa sỹ Lê Thiết Cương thiết kế và thực hiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 - Xuân Đinh Dậu còn có nhiều hoạt động bên lề khác như viết thư pháp, trưng bày và giới thiệu ấn phẩm của các hội văn học nghệ thuật địa phương, triển lãm “60 năm Hội Nhà văn Việt Nam”…

Đặc biệt, tiết mục trình diễn Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - di sản văn hóa phi vật thể thứ 11 của Việt Nam được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng.

Cùng ngày, tại các địa phương khác trong cả nước, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 cũng được tổ chức tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục… với các hoạt động thi thơ, trình diễn thơ, đố thơ, tặng thơ..../.

Trình diễn di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thu hút đông công chúng tại Ngày thơ Việt Nam
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục