"Ngày về lịch sử" của người chiến sỹ cảm tử năm xưa

Trong tâm trí người cựu chiến sỹ cảm tử Bạch Văn Hạnh, xúc cảm của "Ngày về lịch sử" 10/10/1954 luôn là khúc hoan ca không thể quên.
"Ngày về lịch sử" của người chiến sỹ cảm tử năm xưa ảnh 1Đại đoàn quân tiên phong từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đã sáu thập kỷ trôi qua nhưng thẳm sâu trong tâm trí người cựu chiến sỹ "Cảm tử quân" Trung đoàn Thủ đô Bạch Văn Hạnh xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và người bạn đời Vũ Thị Nắp, vốn là một thiếu nữ đất Hà Thành, xúc cảm của "Ngày về lịch sử" - Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 luôn là khúc hoan ca hào sảng không thể nào quên.

Cách đây tròn 60 năm, khi cùng những đoàn quân từ Điện Biên Phủ trở về tiếp quản Hà Nội, người lính "Cảm tử quân" Trung đoàn Thủ đô Bạch Văn Hạnh đã gặp và kết duyên cùng thiếu nữ Hà Nội đẹp người, đẹp nết để rồi theo tháng năm dệt nên một chuyện tình đẹp hòa cùng tình yêu quê hương, đất nước.

Qua câu chuyện có đôi lần ngắt quãng vì xúc cảm của người cựu binh lão thành, chúng tôi hiểu rằng với ông và đồng đội của ông ở Trung đoàn Thủ đô (Đại đoàn 308), Ngày giải phóng Thủ đô luôn được coi là "Ngày về lịch sử".

Trước đó 9 năm (mùa đông năm 1946), Trung đoàn Thủ đô sau 60 ngày đêm chiến đấu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" bảo vệ Thủ đô Hà Nội đã thực hiện thành công "cuộc rút lui thần kỳ", bảo toàn lực lượng để thực hiện chủ trương "Kháng chiến trường kỳ" và quyết hẹn ngày về trong niềm vui chiến thắng.

Đúng như đã hẹn, ngày 10/10/1954, sau chiến thắng Điện Biện Phủ và hiệp định ký kết giữa các bên chính thức có hiệu lực, Trung đoàn Thủ đô cùng các đơn vị của Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ trực tiếp tiến về tiếp quản Hà Nội. Sáng 10/10/1954, lực lượng bộ binh của Trung đoàn và các đơn vị thuộc Đại đoàn ồ ạt tiến vào Hà Nội.

Hướng Bắc, Tiểu đoàn Bình Ca qua cầu Đuống tiến về Ban Liên hiệp đình chiến đóng tại Nhà thương Đồ Thủy (nay là Bệnh viện Quân đội 108). Hướng Tây, Tiểu đoàn 54 của "Cảm tử quân" Bạch Văn Hạnh cùng các đơn vị thuộc Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu đội hình bộ binh hành tiến từ Mai Dịch, Ô Cầu Giấy, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, ra Bờ Hồ, Đồng Xuân, Cửa Bắc vào thành Hà Nội.

Phía Nam, đội hình bộ binh, cơ giới của Đại đoàn 308 hùng dũng diễu qua Bạch Mai, Phố Huế, Tràng Tiền ... Đoàn quân đi đến đâu, tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy đến đó. Đường phố rực màu cờ hoa cùng những gương mặt, nụ cười, ánh mắt rạng ngời của người dân Hà Nội chào đón.

Chung dòng hồi tưởng xúc động của chồng, bà Vũ Thị Nắp cũng trở nên vui hoạt lạ thường. Từ trước thời điểm tiếp quản, hàng nghìn thiếu nữ Hà Nội cùng quần chúng nhân dân đã náo nức công việc chuẩn bị.

Sáng sớm ngày 10/10, nữ công nhân Vũ Thị Nắp cùng bạn bè gọn gàng, tươi tắn trong áo nâu, quần lụa, dép cao su, dây lưng, súng trường... tập hợp đội hình tại đình Voi Phục rồi theo đường Thủ Lệ, Bưởi tiến vào nội thành.

Các gia đình trong thành phố cũng chỉ chờ hết giới nghiêm là lập tức bung ra chuẩn bị đón chào ngày hòa bình chính thức đầu tiên của Thủ đô yêu dấu. Không ai bảo ai, nhân dân tập hợp đội hình thành từng khối, tay cầm cờ, hoa nô nức đổ ra các trục đường, hè phố để đón chào quân giải phóng.

Thời khắc lịch sử đến, qua các cửa ô, từng đoàn quân hùng dũng tiến vào nội thành với nhiệm vụ thiêng liêng: Tiếp quản Thủ đô giữa những rừng cờ, rừng hoa, rừng người với niềm vui mừng khôn xiết.

Sau những tháng ngày tạm xa Hà Nội, những ngày kháng chiến gian khổ, hy sinh, các anh lại trở về với tư thế chiến thắng, trong vòng tay yêu thương của người dân Thủ đô. Hà Nội ngập tràn lời ca tiếng hát chào đón đoàn quân chiến thắng trở về, chào mừng Thủ đô thân yêu hoàn toàn giải phóng.

Chiều 10/10/1954 đã diễn ra lễ chào cờ lịch sử trong ngày đầu tiên Thủ đô được giải phóng. Nhớ về sự kiện lịch sử này, cụ Bạch Văn Hạnh bồi hồi xúc động. Qua dòng xúc cảm của ông, chúng tôi đã hình dung được rõ hơn, sinh động hơn khung cảnh rộn ràng của Thủ đô trong ngày giải phóng cách đây 60 năm. Cờ Tổ quốc tung bay trên nền trời thu Hà Nội xanh ngắt.

Tại Sân vận động Măng Gianh (Câu lạc bộ Thể thao Quân đội ngày nay) các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối nghiêm chỉnh. Tiểu đoàn 54 cùng Trung đoàn Thủ đô vinh dự được đứng ở hàng đầu. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 được cử làm Tổng trực chỉnh đốn đội ngũ. Tiếp theo đội hình bộ binh là cơ giới, pháo binh hàng ngữ thẳng tắp, trang nghiêm. Xung quanh sân vận động, quần chúng nhân dân chen chân đứng kín các trục đường, háo hức tham dự lễ chào cờ lịch sử.

Tại lễ chào cờ lịch sử này, cả Hà Nội lắng nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc) gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Lời kêu gọi, chúc mừng giản dị, gần gũi thân thương của Bác cũng chính là nỗi niềm mong ước, niềm vui hòa cùng khúc hoan ca rộn ràng trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sỹ và người dân Hà thành.

Người chiến sỹ "Cảm tử quân" Trung đoàn thủ đô Bạch Văn Hạnh của mùa thu lịch sử 60 năm trước giờ đã là một lão ông tròn chín mươi tuổi vừa nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Người bạn đời của ông, thiếu nữ đất Hà thành duyên dáng hôm nào, sau đó theo ông về đất đồng chiêm Hà Nam nay đã là một bà cụ đẹp lão, phúc hậu.

Mỗi dịp được xem lại những thước phim tư liệu quý giá, ông bà như được thêm một lần đồng điệu, hòa nhịp cùng âm hưởng tưng bừng, hào sảng từ khúc hoan ca chiến thắng trong thời khắc lịch sử vô cùng tự hào và đáng nhớ của mùa thu năm ấy - mùa thu 1954./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục