Nghệ An đứng đầu danh sách số huyện bị cấm tuyển lao động đi Hàn Quốc

Mặc dù năm 2017 mở rộng thêm ngành nghề được sang Hàn Quốc làm việc nhưng số lượng quận/huyện bị cấm tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc cũng tăng từ 44 quận/huyện năm 2016 lên 58 quận/huyện năm 2017.
Nghệ An đứng đầu danh sách số huyện bị cấm tuyển lao động đi Hàn Quốc ảnh 1Lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. (Ảnh minh họa: Cục Quản lý lao động ngoài nước)

Trong năm 2017, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận thêm lao động ở ngành xây dựng, nông nghiệp thay vì chỉ tiếp nhận lao động ở ngành chế tạo sản xuất và xây dựng. Tuy nhiên, số quận/huyện bị cấm tuyển lao động đi quốc gia này lại tăng lên.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin chính thức về kỳ thi tiếng Hàn cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2017 do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 3/4 tại Hà Nội.

Dự kiến năm 2017, Hàn Quốc sẽ tuyển chọn 3.600 người đi lao động Hàn Quốc, gồm các ngành: Sản xuất chế tạo (1.500 người), xây dựng (500 người), ngư nghiệp (800 người) và nông nghiệp (800 người). Như vậy, so với năm 2016, Hàn Quốc đã tuyển thêm lao động trong ngành xây dựng và nông nghiệp.

Đặc biệt, lao động tham gia thi trong ngành nông nghiệp phải cư trú tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Đây là cơ hội cho lao động ở các huyện nghèo có cơ hội đi Hàn Quốc làm việc.

Mặc dù năm 2017 đã mở rộng thêm số lượng, ngành nghề sang Hàn Quốc làm việc nhưng số lượng quận/huyện bị cấm tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc cũng tăng từ 44 quận/huyện năm 2016 lên 58 quận/huyện năm 2017.

Ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước cho biết, năm 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tạm dừng tuyển chọn lao động đối với 58 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc (có từ 60 người trở lên). Đây là yêu cầu của phía Hàn Quốc khi đồng ý tiếp nhận lao động Việt Nam trở lại.

Trong 58 quận, huyện bị tạm dừng tuyển chọn lao động, Nghệ An có 11 huyện, Thanh Hóa có 4 huyện, Hà Tĩnh có 6 huyện, Hà Nội có 5 huyện, Hải Dương có 7 huyện, Thái Bình có 4 huyện, Nam Định có 5 huyện, Bắc Ninh có 5 huyện, Quảng Bình có 3 huyện, Hưng Yên có 3 huyện, Bắc Giang có 3 huyện, Phú Thọ có 2 huyện.

Tuy nhiên, riêng hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình do bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ra, nên Hà Tĩnh có 5/6 huyện, Quảng Bình 3/3 huyện được ưu tiên đưa khỏi danh sách. (Danh sách chi tiết xem tại đây.)

Ngoài các tỉnh bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc, còn có 51 quận/huyện có số lao động bỏ trốn bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao cũng được xem xét. Ông Đặng Sỹ Dũng cho biết: “Tùy vào số lượng lao động về nước đúng hạn của các địa phương, không loại trừ năm 2018, số quận/huyện tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc sẽ tăng thêm.”

Nghệ An đứng đầu danh sách số huyện bị cấm tuyển lao động đi Hàn Quốc ảnh 2Kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng thi tiếng Hàn. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Đối với lao động tự nguyện trở về nước, dù cư trú ở các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc nhưng vẫn được đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Hàn năm 2017.

Tại buổi họp báo, ông Đặng Sỹ Dũng khẳng định, Trung tâm Lao động ngoài nước (Quản lý Lao động ngoài nước) là đơn vị duy nhất của Việt Nam được giao phối hợp cùng phía Hàn Quốc tổ chức kỳ thi tiếng Hàn năm nay. Việc tổ chức thi, đề thi, chấm thi… đều do phía Hàn Quốc trực tiếp thực hiện.

Ông Đặng Sỹ Dũng cảnh báo: “Quá trình thi, tuyển chọn đều do phía Hàn Quốc thực hiện, nên việc can thiệp, gian lận từ phía Việt Nam là không thể. Do nhu cầu đi Hàn Quốc rất lớn, số lượng tuyển chọn có hạn, nên có nhiều luồng thông bên ngoài. Mong người lao động không nên tin lời rêu rao ai đó đảm bảo thi đỗ, đi Hàn Quốc nhanh, sẽ không có điều đó xảy ra.”

Trước đó, trong kỳ thi tiếng Hàn năm 2016, khoảng 30 trường hợp gian lận trong kỳ thi đã bị phát hiện, như dùng tai nghe, điện thoại, đồng hồ chụp ảnh, thi hộ… Đối với những người lao động vi phạm quy chế thi sẽ bị cấm 3 năm không được dự thi tiếng Hàn để đi lao động Hàn Quốc.

Trong thời gian chuẩn bị cho kỳ thi, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương, cơ quan báo chí để tuyên truyền, thông báo rộng rãi tới người lao động có nhu cầu đi Hàn Quốc. Nhằm tránh việc người lao động thiếu thông tin, bị đối lượng xấu lừa đảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục