Nghệ nhân biến những viên đá tuy vô tri thành “ngọc” cho đời

Không chỉ sưu tầm đá để thỏa mãn thú chơi nghệ thuật, 20 năm qua, nghệ nhân Châu Chí Hùng đã tạo dựng được bộ sưu tập với trên 1.000 mẫu vật đá các loại để phục vụ công tác nghiên cứu.

Ông Châu Chí Hùng sinh năm 1961, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai quan niệm những viên đá tuy vô tri nhưng là sự kết tinh, được hình thành bởi nhiều loại khoáng vật nên có sự độc đáo về màu sắc, hình dáng, vân, thớ đá.

Từ suy nghĩ ấy ông đã từ bỏ nghề nghiệp với thu nhập cao, bôn ba khắp mọi miền Việt Nam “săn” tìm đá.

Không chỉ sưu tầm đá để thỏa mãn thú chơi nghệ thuật, 20 năm qua, nghệ nhân Châu Chí Hùng đã tạo dựng được bộ sưu tập với trên 1.000 mẫu vật đá các loại để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Tốt ngiệp Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh với tấm bằng loại khá, ông Châu Chí Hùng nhanh chóng được một công ty xây dựng có tiếng nhận vào làm việc với thu nhập cao.

Nhờ tài năng nên chỉ hơn hai năm công tác, ông Hùng được đề bạt làm Phó giám đốc doanh nghiệp này.

Khi đường công danh đang rộng mở, ông Hùng đột ngột xin nghỉ việc. Ông Châu Chí Hùng kể: "Tôi bắt đầu thích đá từ năm 1994, cứ mỗi lần có dịp đi khảo sát địa bàn ở các tỉnh xa là tôi lại tìm kiếm những viên đá về trưng bày. Sở thích lớn lên mỗi ngày, tôi quyết định bỏ nghề xây dựng, dành thời gian theo đuổi niềm đam mê tìm hiểu, nghiên cứu đá mặc dù nhiều người cho rằng tôi viển vông, khùng."

Sưu tầm đá, nghiên cứu đá là thú vui tinh thần nhưng cuộc sống với nhiều những nhu cầu thiết yếu lại là thực tế vật chất. Khi bỏ việc, ông Hùng không có nguồn thu nhập, kinh tế gia đình gặp khó khăn, để có tiền trang trải cho những chuyến đi, ông Hùng quyết định vay mượn để mở quán ăn, kinh doanh nhà hàng.

Ông Hùng tâm sự: "Tôi kinh doanh thu lãi mỗi tháng vài chục triệu nhưng có bao nhiêu tôi dành hết cho việc đi tìm đá. Để tìm được đá đẹp, lạ phải đến những nơi rừng sâu, suối xa, thông thường mỗi chuyến đi kéo dài từ 1-4 tháng. Đá trong tự nhiên có nhiều viên đẹp nhưng để hóa thành “ngọc” thì phải mất thời gian nghiên cứu về phẩm chất, rồi mài, đẽo gọt theo những hình thù phù hợp."

Có lần ông Hùng vượt gần 2.000km ra tận Lạng Sơn để lấy chỉ một mẫu đá, rất nhiều lần ông mò mẫm ròng rã 4-5 tháng tại các mỏ khoáng vật ở các tỉnh miền Trung để sưu tầm mã não, thạch anh, hồng ngọc...

Đi tìm đá, ngoài tốn kém chi phí, ông Hùng còn đối diện với những hiểm nguy chốn rừng sâu, núi thẳm. Có chuyến ông trúng lớn phải thuê xe tải chở đá về nhà nhưng cũng không ít lần mất hơn 100 ngày mà chỉ mang về vài viên đá nhỏ.

Là người đam mê đá, hễ nghe ở đâu có đá quý, đá đẹp là ông Châu Chí Hùng lại thu xếp lên đường. Trước mỗi cuộc hành trình, ông đều tìm hiểu về lịch sử, địa lý của những vùng đất sẽ đặt chân, nghiên cứu các tài liệu về khoáng vật, khoáng sản trong và ngoài nước để cuộc tìm kiếm có tính chất khoa học, đạt hiệu quả cao.

Sở hữu niềm đam mê kết hợp trí óc và đôi tay tài hoa nên nghệ nhân Hùng đã cho ra đời những tác phẩm đá có giá trị kinh tế cao. Nhiều tác phẩm đá của ông đã được bán với giá trên 200 triệu đồng, có tác phẩm khách trả giá gần 1 tỷ đồng nhưng ông không bán.

Ông Hùng bộc bạch: "Với tôi mỗi viên đá là một định mệnh, do tâm niệm này nên mỗi khi phải bán một tác phẩm đá tôi vô cùng day dứt. Chỉ khi nào không kiếm đủ tiền trang trải cho những chuyến đi tìm đá tôi mới bán một vài tác phẩm."

Vì ít bán nên hiện “bảo tàng” đá của ông Hùng đã có hàng trăm viên đá với cấu tạo, hình thù khác nhau, trong đó có những viên ánh lên kim loại vàng, xanh ngọc bích, trắng ngọc hay màu đen quí phái, đặc biệt có viên tự phát ra ánh sáng dịu dàng như ánh trăng.

Qua 20 năm lặn lội tầm đá, nghệ nhân Châu Chí Hùng đã tạo dựng được bộ sưu tập với trên 1.000 mẫu vật đá các loại, trong đó có những viên đá quý như sapphire, ngọc lục bảo, hồng ngọc hoặc những thân cây, vỏ ốc hóa thạch có niên đại từ hàng triệu năm.

Ngoài đam mê đá, ông Hùng còn là người nghiên cứu về khoáng vật, khoáng chất. Mỗi mẫu đá sưu tầm được, ông đều ghi chép đầy đủ các thông số khoa học như nơi, thời gian phát hiện, tên gọi, thành phần cấu tạo, màu sắc, độ cứng, hệ tinh thể; đi sâu vào nghiên cứu, phân tích các thành phần cấu thành và niên đại của đá. Sau đó, ông lập danh mục cụ thể và viết tên gọi từng loại bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng La Tinh.

Đến nay, hàng nghìn trang sách nghiên cứu về đá của nghệ nhân Châu Chí Hùng đã trở thành tài liệu tham khảo, nghiên cứu về khoáng vật cho sinh viên, giảng viên các trường đại học trong nước. Ông cộng tác với Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận nhiều mẫu vật nghiên cứu.

Bên cạnh đó, nghệ nhân Châu Chí Hùng đã xuất bản quyển “Đá cảnh Việt Nam” để làm tài liệu tham khảo cho những người chơi đá cảnh.

Về phương diện tài liệu nghiên cứu khoa học, ông Hùng đang cố gắng sưu tầm thêm mẫu vật, tìm kiếm thêm tài liệu để xuất bản sách trong thời gian tới.

Dự định của ông Hùng là tới đây sẽ đầu tư mở gian bày mẫu vật đá để cho sinh viên, nghiên cứu viên trên khắp cả nước về tham khảo, tìm hiểu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục