Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Tín: Nhà báo của nông nghiệp, nông thôn

Những năm chống Mỹ, TTXVN có nhiều tay máy xông pha, lăn lộn với chiến trường; trong đó có phóng viên, nghệ sỹ nhiếp ảnh-thương binh Vũ Tín.

Có thể nói, nhiếp ảnh Việt Nam rất phát triển trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc với các bức ảnh tiêu biểu về đề tài chiến tranh và cách mạng. Trong thành công chung đó, có sự đóng góp lớn của các phóng viên ảnh thông tấn. Ðặc biệt, những năm chống Mỹ, TTXVN có nhiều tay máy xông pha, lăn lộn với chiến trường; trong đó có phóng viên, nghệ sỹ nhiếp ảnh-thương binh Vũ Tín.

Từ một nhân viên kỹ thuật buồng tối, ông trở thành phóng viên nhiếp ảnh của Nha nhiếp ảnh Trung ương. Sau một thời gian ngắn công tác tại báo Nhân Dân, tháng 3/1960, ông về Phân xã Nhiếp ảnh (đơn vị tiền thân của Ban Biên tập Ảnh-TTXVN) và đi thường trú tại Hải Phòng.

Năm năm gắn bó với Hải Phòng đã mang đến cho ông những tác phẩm để đời, trong đó phải nhắc đến bức “Bên dòng Tam Bạc” - giải Nhất triển lãm ảnh toàn quốc 1960. Tác phẩm chụp toàn cảnh nhà máy ximăng Hải Phòng từ góc độ cao, nằm ở vị trí hợp lưu của hai con sông Tam Bạc và sông Cấm. Qua đó, có thể thấy bóng dáng một thành phố công nghiệp lớn ở phía Bắc đang trên đà phát triển với nhà máy hối hả khói trắng, vừa hùng vĩ, vừa nên thơ.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Tín: Nhà báo của nông nghiệp, nông thôn ảnh 1Nhà báo thương binh Vũ Tín. (Nguồn: TTXVN)

Thường trú ở Hải Phòng nhưng Vũ Tín không “đóng khung” trong "đất Cảng." Tác phẩm “Ngày mùa trên sân phơi hợp tác” là thành quả của nhiều chuyến ông đi khắp các tỉnh thành xung quanh Hải Phòng. Bức ảnh có bố cục hình tròn khá ấn tượng, ghi lại cảnh đập lúa trên sân kho hợp tác ở Hưng Yên, không khí làm việc rộn ràng với những con người chăm chú, cần mẫn. Xem ảnh tưởng như ngửi thấy mùi rạ ngai ngái và hương thơm cơm mới, thấy cả một mùa vàng bội thu cũng hiện hữu đâu đây.... “Ngày mùa trên sân phơi hợp tác” đã đoạt giải Nhất khi được chọn đi dự thi ảnh của Tổ chức Nhà báo Quốc tế (OIJ).

Cũng trong những ngày lang thang Hưng Yên, Hải Dương, nhà báo Vũ Tín còn bắt gặp một lớp bình dân học vụ dành cho các mẹ, các chị sau những giờ lao động. Tác phẩm ấy mang tên “Xóa nạn mù chữ,” cũng đoạt giải ba trong một cuộc thi ảnh của OIJ.

Bên cạnh sở trường về nông nghiệp, nông thôn, phóng viên Vũ Tín cũng tiếp cận với những thể loại ảnh khác và ghi lại dấu ấn cá nhân khi chụp Lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức ảnh các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Ðức Thắng, Phạm Văn Ðồng, Trường Chinh túc trực bên linh cữu Bác hay hình ảnh đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do bác sỹ Phùng Văn Cung dẫn đầu, ra thăm miền Bắc (28/2/1969) gần gũi, quây quần xung quanh "vị Cha già dân tộc,” đã khiến rất nhiều người xem xúc động.

Ðầu năm 1972, một bước ngoặt lớn đã đến khi Vũ Tín lên đường vào chiến trường. Ông ở trong nhóm phóng viên thứ nhất vào mặt trận Quảng Trị theo cánh quân chủ lực ở miền Tây, cùng với các phóng viên ảnh khác như Ðoàn Tý, Vũ Tạo, Nghĩa Dũng, Hồng Thụ và hai kỹ thuật viên thu phát Telephoto.

Ngoài nhiệm vụ nhận phim của các phóng viên mặt trận, tráng phim, soi phim làm ảnh, duyệt và phát telephoto về Hà Nội, ông còn xin làm thêm nhiệm vụ chụp ảnh ngoài trận địa. Và với chiếc máy ảnh của mình, ông đã có mặt khắp nơi, ghi lại những hình ảnh vẫn nguyên sức nóng của chiến trường: Một trận đánh vừa kết thúc tại nhà thờ Ái Tử, những chiến sỹ quân giải phóng chốt trong Thành cổ Quảng Trị, nhóm quân ngụy tự nguyện ra hàng, những chiến sỹ giao liên Trường Sơn....

Trong một trận đánh ác liệt, phóng viên Vũ Tín không may bị thương, để lại một phần thân thể ở chiến trường Quảng Trị. Ông được đưa ra Bắc điều trị. Ðến khi vết thương lành hẳn, ông lại cầm máy, tiếp tục kể câu chuyện của đất nước, của những con người xây dựng đất nước bằng hình ảnh. Với ông, thương tật không ngăn được niềm đam mê với nhiếp ảnh. Với đôi nạng gỗ và sự giúp đỡ tận tình của người vợ hiền, ông rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc, dọc theo chiều dài đất nước, từ Lạng Sơn, Hà Nội đến Sóc Trăng, Bến Tre...

Ðiều tưởng chừng như không thể lại thành hiện thực: Giữa năm 1994, ông mở được triển lãm ảnh cá nhân khi đã ngoài 60 tuổi. Triển lãm gồm hai phần: Ðen trắng (những tư liệu về mặt trận Quảng Trị, trước khi ông bị thương) và màu (hình ảnh đất nước, con người ông chụp sau này). Ðó là những tác phẩm cho người xem cảm nhận rõ về con mắt sáng tạo của một người nghệ sỹ, chiến sỹ thông qua bố cục, ánh sáng, góc độ, đường nét tạo hình...

Cuộc đời làm báo của nhà nhiếp ảnh Vũ Tín đã qua rất nhiều mảng ảnh, lĩnh vực khác nhau, nhưng có thể nói nông nghiệp và nông thôn là mảng đề tài ông gắn bó lâu dài và đam mê nhất, thể hiện nhiều nhất. Con đường đến với nhiếp ảnh của ông không phải là một con đường bằng phẳng, dễ đi nhưng với nghị lực lớn lao và sự đam mê nghề nghiệp, ông đã vượt qua tất cả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục