Nghệ sỹ trải lòng về những phút hóa thân vào hình tượng Bác Hồ

“Tôi xa quê hương đã 17 năm! Kỳ này về Xiêm, việc công, tư đan chéo... Tôi chỉ ước mình vượt núi băng rừng đặt chân về Đất Mẹ, dù chỉ một giờ một khắc rồi biệt xứ cũng cam lòng!"
Nghệ sỹ trải lòng về những phút hóa thân vào hình tượng Bác Hồ ảnh 1Người thanh niên Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12/1920. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Mỗi lần đóng vai Bác Hồ đều mang lại những cảm xúc đặc biệt...

Dù là nghệ sỹ gạo cội đã nhiều lần hóa thân vào hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh (như nghệ sỹ ưu tú Đức Trung) hay nghệ sỹ trẻ mới lần đầu vào vai vị Cha già dân tộc (diễn viên Mạnh Trường) trong những tác phẩm sân khấu, điện ảnh đều có chung cảm nhận như vậy.

Nghệ sỹ ưu tú Đức Trung: Chung mạch nguồn xúc cảm

Hơn bốn thập kỷ gắn bó với nghiệp diễn, nghệ sỹ ưu tú Đức Trung đã ba lần thể hiện hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ở nhiều thể loại: kịch (“Lịch sử và nhân chứng,” “Giai điệu tháng Năm”) và phim truyền hình (“Bác Hồ sống mãi với vùng than”).

“Mỗi lần vào vai Bác Hồ, trong lòng tôi đều trào dâng cảm xúc khó tả. Đặc biệt, mỗi khi hóa trang xong, nhìn vào gương, tôi thấy như có một luồng điện chạy dọc cơ thể. Cứ như thế, tôi bước ra sân khấu, trước ống kính máy quay và diễn như nhập thần,” nghệ sỹ ưu tú Đức Trung chia sẻ.

Ông luôn tâm niệm, điều quan trọng nhất là phải làm toát lên được tác phong, thần thái của nhân vật. Bởi thế, trước khi hóa thân vào vai Bác Hồ, ông miệt mài tìm đọc những tác phẩm viết về Người, nghe lại băng thu âm giọng nói của Bác và tìm gặp những cận vệ, cán bộ từng gắn bó với Bác, xem lại băng ghi hình để học các điệu bộ, cử chỉ (từ cách Người cười, dáng vẻ suy tư hay những phút chau mày đầy trăn trở…).

“Có những đêm, tôi nghe đi nghe lại những cuộn băng thu âm dài tới 2-3 giờ đồng hồ rồi thiếp đi lúc nào không hay. Cứ như vậy, những câu chuyện về Người ngấm vào tôi. Đến khi diễn, mọi biểu cảm được thể hiện một cách tự nhiên,” nghệ sỹ Đức Trung kể.

Lặng đi chừng vài phút, ông bảo, quá trình nghiền ngẫm kịch bản, nghiên cứu tài liệu về Bác và tập diễn xuất đã mang đến cho ông nhiều trải nghiệm sâu sắc.

Những câu chuyện về cuộc đời, sự giản dị, hy sinh của Người vì sự nghiệp chung của dân tộc luôn khiến ông kính phục: “Tôi soi vào đó để tự rút ra cho mình những bài học trong cuộc sống, để rồi thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm hơn. Trong những lúc khó khăn, trước những trở lực của cuộc sống, tôi vẫn luôn như thấy bóng dáng Người, văng vẳng lời dạy của Người bên tai để bình tâm và bước tiếp…”

Nghệ sỹ trải lòng về những phút hóa thân vào hình tượng Bác Hồ ảnh 2Nghệ sỹ ưu tú Đức Trung.

Với dáng vẻ đường bệ, đôi mắt vẫn giữ được vẻ tinh anh phía sau cặp kính, người nghệ sỹ già chậm rãi ôn lại những kỷ niệm khi lần đầu tiên nhận vai Bác Hồ cách đây chừng 30 năm. “Khi ấy, tôi chưa ‘phát tướng’ thế này! Vừa mừng vui, hãnh diện lại vừa hồi hộp, lo lắng - cảm xúc đó sẽ không bao giờ tôi quên,” nghệ sỹ trải lòng.

Diễn viên Mạnh Trường: Chọn lối diễn thiên về cảm xúc

“Vào vai lãnh tụ là một vinh dự lớn nhưng cũng là một áp lực không nhỏ đối với một diễn viên trẻ như tôi, đặc biệt khi trước đó, nhiều ‘cây đa, cây đề’ của điện ảnh Việt Nam đã thể hiện rất thành công, sinh động hình tượng Bác,” Mạnh Tường - người đóng vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) bày tỏ.

Thế nhưng, khi bắt tay vào thực tế, anh đã chọn cho mình lối đi riêng khi tái hiện thời kỳ hoạt động của Bác Hồ tại Thái Lan với bí danh Thầu Chín (từ tháng 7/1928-11/1929). Trong thời gian này, cùng với những cộng sự của mình, Người xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).

“Tôi thể hiện hình tượng Bác Hồ theo cách cảm nhận của riêng mình; trong đó, tôi cố gắng khắc họa thế giới nội tâm của nhân vật một cách nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Tôi rất sợ sự ‘lên gân’ và luôn cố gắng tránh điều đó,” Mạnh Trường chia sẻ.

Xem “Thầu Chín ở Xiêm,” khán giả sẽ không khó để nhận ra điều đó. Mạnh Trường đã chọn cách thể hiện thiên về cảm xúc, khai thác và tái hiện nhân vật ở góc độ tâm tư-tình cảm.

“Ban đầu, tôi không dám nhận vai diễn này vì tôi tự nhận thấy, ngoại hình của mình không có nét gì tương đồng với ngoại hình của Bác. Thế nhưng, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã nói rằng, anh cần một người khắc họa được thần thái của Bác hơn là một diễn viên thể hiện ngoại hình giống Bác,” Mạnh Trường nhớ lại.

Anh kể, bây giờ nhớ lại, anh vẫn thấy đó là một quyết định táo bạo và có phần liều lĩnh. Suốt thời gian quay “Thầu Chín ở Xiêm,” Mạnh Trường luôn cố gắng thể hiện các biểu cảm qua đôi mắt. Đôi mắt sáng sẽ làm toát lên được thần thái của Người - đó là điều mà Mạnh Trường luôn tâm niệm.

Hỏi người nghệ sỹ ấy, kỷ niệm nào đọng lại trong anh sâu đậm nhất khi hóa thân vào vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, anh kể: Đó là cảnh Bác đứng bên bờ sông, dõi đôi mắt về phía dãy núi. Bên kia dãy núi ấy là quê hương Việt Nam.

Nghệ sỹ trải lòng về những phút hóa thân vào hình tượng Bác Hồ ảnh 3Diễn viên Mạnh Trường trong phim "Thầu Chín ở Xiêm." (Ảnh: Đoàn làm phim)

“Tôi xa quê hương đã 17 năm! Kỳ này về Xiêm, việc công, tư đan chéo. Ngoài củng cố cơ sở cách mệnh, tôi chỉ ước mình vượt núi băng rừng đặt chân về Đất Mẹ, dù chỉ một giờ, một khắc rồi biệt xứ cũng cam lòng!” anh lẩm nhẩm đọc lại lời thoại.

“Ban đầu, tôi nghĩ đó sẽ là cảnh quay khó nhất với yêu cầu rất cao về việc thể hiện cảm xúc dồn nén, tâm trạng xúc động, bồn chồn, khắc khoải nhớ quê hương của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc khi ở trên đất Thái Lan - đã rất gần Việt Nam mà vẫn chưa thể trở về sau 17 năm bôn ba nước ngoài. Thế nhưng, cảnh đó lại không phải quay đến lần thứ hai. Chính tôi cũng bất ngờ về điều này,” nghệ sỹ chia sẻ.

Nhớ lại khoảng thời gian ở phim trường, Mạnh Trường bảo, khi đó, anh phải tiết chế cảm xúc để nước mắt không được trào ra ngoài mà chỉ rưng rưng nơi khóe mắt. “Một chút xao nhãng, mất tập trung cũng có thể đẩy mình ra khỏi mạch cảm xúc, đời sống nội tâm của nhân vật,” anh nói.

Bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” đã giành Giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục