Nghị định mới về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Nghị định mới, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ; đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ngày 19/5, Chính phủ đã ban hành Nghị định 48/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thay thế Nghị định số 129/2008/NĐ-CP ngày 17/12/2008.

Theo Nghị định mới, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Học viện là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cấp, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý. Học viện là đơn vị tài chính cấp I, được sử dụng con dấu hình Quốc huy.

Học viện thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội; nghiên cứu khoa học; tham mưu, đề xuất, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối xây dựng và phát triển đất nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Học viện còn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, hướng dẫn và thống nhất quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng; phương pháp giảng dạy và học tập; nghiên cứu khoa học; quy chế quản lý đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chủ trì, phối hợp hướng dẫn việc nghiên cứu, biên soạn và tham gia thẩm định lịch sử Đảng của các địa phương, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương.

Ngoài ra, Học viện còn thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ giao như đào tạo đại học và sau đại học thuộc lĩnh vực đào tạo của Học viện; quản lý, cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của Học viện theo quy định của Đảng và Nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ giao...

Theo cơ cấu tổ chức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gồm sáu vụ, Ban Thanh tra, Văn phòng Học viện, Văn phòng Đảng-Đoàn thể, Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, năm học viện, 17 viện, Tạp chí Lý luận chính trị và Nhà xuất bản Lý luận chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục