Nghị định quản lý giúp việc: Khó từ định nghĩa

Việc soạn thảo Nghị định về quản lý giúp việc gia đình khó từ quy định rõ thế nào là việc gia đình, thời giờ làm việc, tiền lương...
Chủ thuê bắt làm quần quật, trả lương thấp cùng bạo hành, hay người làm công thích là tự ý bỏ về khiến chủ thuê “vỡ kế hoạch” công tác, sinh hoạt là những mâu thuẫn không còn xa lạ trong mối quan hệ giữa  chủ nhà và người giúp việc.

Vì vậy, việc soạn thảo Nghị định về quản lý giúp việc gia đình nằm trong kế hoạch năm 2009 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với mục tiêu quản lý quan hệ chủ nhà (người sử dụng lao động) và người giúp việc (người lao động) như một quan hệ lao động sao cho đảm bảo quyền, nghĩa vụ của cả hai bên.

Tuy nhiên, việc soạn thảo nghị định lại đang gặp khó khăn do đặc thù của mối quan hệ  này thường hình thành qua thỏa thuận miệng, với thời gian, tính chất công việc đa dạng.

Khó định nghĩa, khó kiểm soát

Một thành viên của Ban soạn thảo cho biết, nghị định này nhằm quản lý và bảo vệ lao động giúp việc gia đình, đưa mối quan hệ giữa chủ và người giúp việc vào hành lang pháp lý của pháp luật lao động.

Muốn vậy, nghị định sẽ phải quy định rõ thế nào là việc gia đình, thời giờ làm việc, tiền lương và quản lý nhà nước đối với dạng lao động này như thế nào?

Chỉ riêng việc nêu ra định nghĩa thế nào là giúp việc gia đình đã rất khó khăn. Bởi tuy cùng là giúp việc cho một gia đình song nếu gia đình đó dùng lao động này vào hoạt động kinh doanh thì khi đó có nên xếp vào loại giúp việc gia đình hay không?

Thêm vào đó, các loại hình giúp việc gia đình hiện tại rất đa dạng như: Giúp theo giờ, trông người ốm theo ngày, nấu cơm theo bữa... nên càng khó đưa ra định nghĩa.

Trong khi đó, đối chiếu với các quy định hiện hành về pháp luật lao động với công việc cụ thể của người giúp việc gia đình có độ vênh rất lớn. Chẳng hạn, làm thế nào để “hóa giải chuyện” người giúp việc lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng làm việc nhà 24/24 giờ, khi Luật Lao động quy định ngày công chỉ 8 giờ.

Cái khó nữa là từ trước tới nay, quan hệ chủ thuê và "ôsin" phần lớn thông qua thỏa thuận miệng. “Loại thỏa thuận làm việc bằng miệng được pháp luật lao động thừa nhận và có thể có người làm chứng. Tuy nhiên, nếu không có người làm chứng thì rất khó có đủ bằng chứng để đưa vào hành lang pháp lý”, một thành viên ban soạn thảo trên cho biết.

Cũng như thế, vấn đề quy định tiền lương cho người giúp việc gia đình cũng sẽ có vướng mắc. Hiện tại, pháp luật lao động quy định người lao động chỉ làm việc tối đa 8 giờ/ngày, thời gian làm thêm được tính vào làm thêm giờ và chủ sử dụng lao động phải trả lương cao cho những giờ làm thêm. Áp dụng quy định đó đối với giúp việc gia đình sẽ phát sinh vướng mắc vì khó tính nổi người giúp việc làm bao nhiêu giờ/ngày và đâu là giờ làm thêm của họ.

Thói quen sẽ phải thay đổi

Tiến sĩ  Tôn Thiện Chiếu, Trưởng phòng Xã hội học Lao động và Công nghệ, Viện Xã hội học, nhận định: “Trên thực tế, đã hình thành một thói quen tìm "ôsin" qua các quan hệ quen biết, thậm chí quan hệ thân tộc kết nối. Điều đó khiến cả hai bên đều thấy yên tâm. Bên thuê yên tâm nếu xảy ra chuyện gì thì còn biết chỗ mà bắt đền. Còn người giúp việc cũng biết chắc mình không rơi vào tay người xấu”.

Ông Chiếu cũng cho biết, việc thuê người giúp việc qua trung tâm đương nhiên là quan hệ lao động song so với số "ôsin “chỗ quen biết” thì chẳng thấm vào đâu. Ông Chiếu nói đùa: “Vì thói quen sinh hoạt ấy mà nếu có mở chợ "ôsin" chắc cũng chẳng mấy người ra đó”. Cũng chính vì cách tiếp cận như thế nên hình thức giao kết hợp đồng cũng chỉ là hợp đồng miệng, và quan hệ "ôsin" - chủ nhà cho tới nay vẫn hoàn toàn là quan hệ dân sự.

Khi Nghị định về quản lý giúp việc ra đời, quan hệ này sẽ không còn là quan hệ dân sự nữa mà trở thành quan hệ lao động. Khi ấy, như mọi quan hệ lao động khác, nó sẽ phải có cơ quan quản lý để quyền và nghĩa vụ của hai bên đều được đảm bảo. Và như mọi hợp đồng lao động khác, sẽ không có chuyện một sáng ngủ dậy, chủ hay người giúp việc nhà nói với nhau rằng: "Thôi nhé chúng ta chia tay để kết thúc hợp đồng" là nó kết thúc. “Thói quen dân dã này phải thay đổi khi có chế tài qui định”, ông Chiếu nói.

Đặc biệt, ông Chiếu nhấn mạnh: “Muốn bảo vệ quyền lợi cả hai bên, ngoài nghị định còn cần có sức mạnh tổng lực của hệ thống chính trị cơ sở. Đó là những giám sát từ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ lão, tổ dân phố”./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục