Nghị quyết xử lý nợ xấu: Điểm tựa mới giúp lực đẩy ""cục máu đông”

Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa thông qua được kỳ vọng sẽ là điểm tựa mới giúp lực đẩy "cục máu đông" đang cản đường đi của dòng vốn từ trước đến nay.
Nghị quyết xử lý nợ xấu: Điểm tựa mới giúp lực đẩy ""cục máu đông” ảnh 1Các chuyên gia cho rằng Nghị quyết xử lý nợ xấu ra đời sẽ là điểm tựa để phá tan cục máu đông. (Nguồn: TTXVN)

Lần đầu tiên có một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chính vì vậy nó đã trở thành tâm điểm của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Các chuyên gia cũng thừa nhận rằng với bối cảnh hiện nay thì một nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu là cần thiết, thậm chí còn... chậm nhưng chậm còn hơn không.

Trong thời gian qua, việc chậm xử lý các khoản nợ và để nợ xấu ngày càng “chồng chất” là do các vướng mắc về các quy định liên quan đến luật làm cho tài sản giảm sút giá trị.

Việc không cho phép bán nợ dưới giá trị sổ sách khiến ai cũng sợ trách nhiệm, rồi tổ chức tín dụng không được quyền thu giữ tài sản đảm bảo… cũng là một trong những nguyên nhân nợ xấu kéo dài.

Đây là điểm nghẽn lâu năm mà chưa có biện pháp giải quyết rốt ráo. Vì thế, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, giới tài chính–ngân hàng có thể “thở phào” vì nhiều vướng mắc sẽ có cơ sở để giải quyết.

Nghị quyết cũng đang được kỳ vọng sẽ là điểm tựa mới giúp đẩy bật ""cục máu đông” đang cản đường đi của dòng vốn từ trước đến nay.

Bài 1: Nghị quyết xử lý nợ xấu: Liều “An cung ngưu hoàng hoàn” của nền kinh tế?

Mặc dù vẫn còn khá nhiều băn khoăn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến một số vấn đề như không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu, không miễn trừ trách nhiệm đối với người có hành vi vi phạm trong quá trình xử lý nợ xấu… nhưng do tính chất cần thiết và đặc thù của yêu cầu phải xử lý nợ xấu, nghị quyết này cuối cùng đã được các đại biểu thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Theo nội dung Nghị quyết này thì nhiều cơ chế, vướng mắc trước đây đã được “cởi trói” nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý các khoản nợ.

“Cục máu đông” trị giá 600.000 tỷ đồng

Cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu diễn ra từ năm 2007 đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta, những yếu kém nội tại đã tích tụ một thời gian dài của nền kinh tế dần bộc lộ, hệ thống ngân hàng phải đối mặt với một khối lượng nợ xấu rất lớn.

Theo số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ này ở thời điểm 30/9/2012 là 17,21%. Với sự quyết tâm cao, giải pháp mạnh, hành động quyết liệt thì từ 2012 đến hết năn 2016 toàn ngành đã xử lý 611.590 tỷ đồng nợ xấu.

Tuy nhiên số nợ xấu hiện vẫn đang nằm trong bảng cân đối của các tổ chức tín dụng và nợ xấu đã bán cho Công ty xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý được đang chiếm một tỷ lệ khá cao.

Tính đến 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu của VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được và và nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu, tức là những khoản nợ vào thời điểm khó khăn của giai đoạn 2011-2012-2013 đã tổ chức tín dụng các cơ cấu lại nợ thì tổng nợ xấu và dư nợ hiện nay là 10,08% trên tổng dư nợ, tức khoảng 600.000 tỷ đồng.

Số nợ xấu này được ví von như "cục máu đông" của nền kinh tế, vì nó làm tắc nghẽn một lượng vốn lớn. ​Bởi dù ra đời được gần 4 năm nhưng số nợ xấu mà công ty VAMC mua của các tổ chức tín dụng vẫn chủ yếu nằm trong kho chứ chưa bán được ra bên ngoài. Cụ thể, tổng nợ xấu mà VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được tính đến 31/12/2016 là 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ.

[Nghị quyết xử lý nợ xấu: Sẽ không dung túng cho bất kỳ ai]

Một câu hỏi luôn đặt ra là tại sao lại chưa xử lý được dứt điểm số nợ xấu đó? Theo phân tích của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và của các tổ chức tín dụng/VAMC, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập làm giảm hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.

Các quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều vướng mắc, bất cập, không bảo đảm quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm. Bộ Luật Dân sự 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Điều này gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của VAMC, tổ chức tín dụng vì VAMC cũng như các tổ chức tín dụng không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến tài sản bảo đảm để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm.

VAMC, tổ chức tín dụng sẽ phải chờ bản án của Tòa án, tạo áp lực lên cho các cơ quan xét xử. Sự kéo dài về mặt thời gian đó cũng tạo nên tâm lý chây ỳ trả nợ của bên có nghĩa vụ.

Bên cạnh đó, thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án không hiệu quả (thời gian giải quyết khoảng 400 ngày, nhưng thực tế là khoảng 2 năm), chi phí chiếm khoảng 29% giá trị đòi nợ. 

Trong khi đó pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, trong thời gian qua khối lượng nợ xấu “khổng lồ” này đã làm cho tắc nghẽn dòng vốn hoạt động của ngân hàng, ngân hàng dùng vốn huy động để cho vay, sau một thời gian vốn đó tiếp tục quay trở lại ngân hàng và ngân hàng dùng vốn đó để trả cho khách hàng gửi tiền.

“Để có thể tồn tại, ngân hàng phải huy động vốn mới và dùng số vốn này trả cho khách hàng cũ đến hạn và cứ trong vòng xoáy như thế, trong khi đó vốn cho vay ra bị tắc nghẽn không quay trở lại. Chính vì vậy, lãi suất của Việt Nam cao là do ngân hàng phải huy động vốn mới để trả cho khách hàng. Đến một lúc nào đó, dòng vốn huy động bị ngưng lại, điều này khó xảy ra nhưng nếu nó xảy ra thì cả hệ thống ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản,” ông Hiếu chia sẻ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, đây là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhiều Luật hiện hành. Để tháo gỡ triệt để và thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020 cần phải có một văn bản pháp lý do Quốc hội ban hành mới đảm bảo tính pháp lý và khả thi trong tổ chức thực hiện.

Do đó, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và với tính cấp thiết của việc cần phải nhanh chóng xử lý số nợ xấu đang còn tồn đọng, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, Nghị quyết này đã được Quốc hội thông qua.

Nghị quyết xử lý nợ xấu: Điểm tựa mới giúp lực đẩy ""cục máu đông” ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Phá tan “cục máu đông” để tạo động lực tăng trưởng

Nghị quyết nợ xấu được Quốc hội thông qua được kỳ vọng như một liều "An cung ngưu hoàng hoàn" phá tan "cục máu đông" của nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng và VAMC có thể “thở phào” vì nhiều vướng mắc sẽ có cơ sở để giải quyết và từ đó khơi thông được dòng vốn.

Theo đó, Nghị quyết quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, các chuyên gia nhận xét, Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra phương hướng quan trọng giúp hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc xử lý tài sản đảm bảo. Hơn nữa còn giúp hình thành thị trường mua bán nợ, cho phép các tổ chức tín dụng, VAMC bán các khoản nợ xấu và các tài sản đảm bảo khoản nợ theo giá thị trường và theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội còn giúp đảm bảo quyền lợi của chủ nợ, đồng nghĩa với việc đảm bảo quyền của người gửi tiền.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank nhấn mạnh: “Nghị quyết nợ xấu có dấu ấn rất quan trọng là lần đầu tiên trong lịch sử ngân hàng và lịch sử Quốc hội có hẳn một Nghị quyết để xử lý nợ xấu và đây như là một liều thuốc hữu hiệu để làm tan 'cục máu đông,' khơi thông nguồn vốn để tăng trưởng kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh và thu hút nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển sản xuất. Như vậy, chi phí hạ, lãi suất thấp, lợi nhuận tăng, trong đó thu ngân sách tương lai sẽ tăng.”

Là lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nợ xấu phát sinh trong hoạt động của nhà băng là tất yếu. Một khi còn cho vay thì còn nợ xấu.

"Việc xử lý nợ xấu cấp bách là để bảo vệ không chỉ hoạt động tổ chức tín dụng, còn bảo vệ người gửi tiền. Làm sao để đưa 600.000 tỷ đồng này quay trở lại để phục vụ tăng trưởng kinh tế khi mà nguồn lực còn hạn chế?" ông Thắng nói. Ông Thắng so sánh con số gần 600.000 tỷ đồng nợ xấu đang "tắc", nếu xử lý được sẽ đủ tiền để xây dựng 3 sân bay Long Thành mà Quốc hội đang bàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục