Nghị sỹ đảng cầm quyền Anh cảnh báo phản đối dự luật Brexit

12 hạ nghị sỹ đảng Bảo thủ trong liên minh cầm quyền cảnh báo Thủ tướng Anh, họ sẵn sàng phản đối Dự luật Anh rút khỏi EU (Brexit), nếu dự luật này không được sửa đổi trong thời gian tới.
Nghị sỹ đảng cầm quyền Anh cảnh báo phản đối dự luật Brexit ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, 12 hạ nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ trong liên minh cầm quyền đã cảnh báo Thủ tướng Anh Theresa May rằng họ sẵn sàng bày tỏ phản đối Dự luật Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, nếu dự luật này không được sửa đổi trong thời gian tới.

Nhóm nghị sỹ có quan điểm ủng hộ EU đưa ra cảnh báo trên ngay sau khi Dự luật Brexit của Chính phủ Anh vượt qua được cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Hạ viện nước này đêm 11/9 với 326 phiếu thuận và 290 phiếu chống.

Trong "tối hậu thư" của nhóm nghị sỹ trên có nội dung yêu cầu chính phủ của Thủ tướng May đưa ra cam kết bằng văn bản về việc trao quyền cho Quốc hội Anh thông qua bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào về Brexit giữa Anh và EU.

[Quốc hội Anh thông qua dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu]

Bên cạnh đó, 12 nghị sỹ trên còn yêu cầu bổ sung vào dự luật hiện nay nội dung giữ nước Anh ở lại thị trường chung và liên minh hải quan của EU, ít nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài khoảng vài năm.

Dự luật Brexit cho phép Chính phủ Anh sửa đổi 12.000 quy định và luật của EU để đảm bảo các quy định này hoạt động hiệu quả và phù hợp với lợi ích, luật pháp Anh.

Tuy nhiên, dự luật đang vấp phải sự phản đối từ Công đảng đối lập, và ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ.

Các ý kiến phải đối cho rằng việc trao quá nhiều quyền lực cho các bộ trưởng trong Chính phủ Anh có thể kéo theo nhiều thay đổi lớn trong tiến trình đàm phán với EU.

Nhóm nghị sỹ Bảo thủ cũng ủng hộ quan điểm của Công đảng yêu cầu trao cho Quốc hội - thay vì Chính phủ - quyền quyết định cuối cùng về các điều khoản của giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời EU vào tháng 3/2019, cũng như thời hạn cụ thể của giai đoạn chuyển tiếp này.

Dự luật Brexit sẽ được đưa ra bàn thảo trong tám buổi thảo luận trực tiếp tại Hạ viện Anh vào mùa Thu năm nay, mỗi cuộc thảo luận sẽ kéo dài ít nhất 8 giờ. Không có hạn chế về thời gian thảo luận dự luật tại Thượng viện Anh.

Vì vậy, giới phân tích cho rằng sớm nhất cũng phải đến năm 2018 luật Brexit mới có thể được ban hành chính thức.

Trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu đêm 11/9, Thủ tướng May đánh giá việc Hạ viện ủng hộ dự luật đã góp phần mang lại “sự chắc chắn và rõ ràng" cho tiến trình Brexit trong thời gian tới.

Bà May coi dự luật này là cơ sở vững chắc cho quá trình đàm phán của nước Anh và kêu gọi các nghị sĩ thuộc tất cả các đảng tiếp tục ủng hộ “dự luật vô cùng quan trọng” này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục